Địa phương cơ sở thiếu chủ động trong quản lý, thay đổi cách làm cùng nguồn vốn đối ứng gặp khó khăn, quá trình triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Quảng Nam còn nhiều việc phải làm.
Giảm chỉ tiêu đề án
Theo Nghị quyết số 38 ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh về Đề án kiên cố hóa hệ thống đường huyện (ĐH) và giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.532 tỷ đồng. Đến ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 28 về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí hỗ trợ thực hiện đề án giai đoạn này là 766 tỷ đồng, tương ứng khoảng 50% (766/1.532 tỷ đồng) so với Nghị quyết số 38. Từ đây, UBND tỉnh đã phê duyệt khối lượng, danh mục để các địa phương thực hiện khoảng 50% tổng khối lượng theo chỉ tiêu của đề án.
Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Quảng Nam) - ông Võ Công Phúc cho biết, cụ thể khối lượng thực hiện đối với hệ thống ĐH là kiên cố hóa mặt đường dài 125,48km, gia cố lề đường 120,91km, gia cố mương dọc 97,28km và xây dựng, sửa chữa 65 cầu/cống các loại.
Riêng hệ thống GTNT, các địa phương được hỗ trợ xây dựng mới, nâng cấp mặt đường dài 435,59km, mở rộng mặt đường 42,83km, mở rộng nền đường 63,58km, xây dựng 105 cầu/cống các loại.
Để triển khai nghị quyết, Sở GTVT đã tham UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, trong đó có thiết kế mẫu và đơn giá xây dựng các loại mặt đường, công trình thoát nước. Ngoài ra, ngành tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh danh mục, quy mô mặt đường phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương.
Trên cơ sở danh mục được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương kiên cố hóa được 117,77km chiều dài mặt đường, gia cố lề đường 115,86km, gia cố mương dọc 94,73km và xây dựng, sửa chữa 62 cầu/cống trên hệ thống ĐH.
Với hệ thống GTNT, có 416,95km chiều dài mặt đường được xây mới hoặc nâng cấp; xây dựng và sửa chữa 97 cầu/cống các loại. Về các hạng mục, khối lượng GTNT thuộc cơ chế riêng của mình, các địa phương mở rộng mặt đường dài 37,39km, mở rộng nền đường 29,27km. Đến nay, 100% đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, có 98,81% đường đến trung tâm thôn được cứng hóa.
Còn nhiều hạn chế
Đánh giá về hiện thực hóa Nghị quyết số 38, Phó Giám đốc Sở GTVT - Trần Ngọc Thanh cho biết, UBND tỉnh triển khai kịp thời, tuân thủ đúng theo mục tiêu, đối tượng và cơ chế.
Các thủ tục do cấp tỉnh quản lý được thực hiện đồng bộ, nguồn vốn đã phân bổ đúng đối tượng, đúng hạn mức, tạo thuận lợi cho cấp huyện, xã tổ chức thực hiện. Phần lớn địa phương đã tuân thủ quy định của UBND tỉnh, thực hiện đầy đủ các bước...
Tuy nhiên, nhiều hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai nghị quyết vẫn chưa được chấn chỉnh, tháo gỡ. Điển hình như chọn lựa danh mục công trình của địa phương còn nhiều thiếu sót, nhất là đối với đường GTNT. Vì vậy, UBND tỉnh đã phê duyệt rồi nhưng không làm được, phải đề xuất điều chỉnh nhiều lần.
Một hạn chế khác, có địa phương triển khai thi công công trình chậm; chưa chủ động trong công tác quản lý, vẫn làm theo cơ chế của giai đoạn 2016 - 2020.
Trong khi đó, nguồn vốn khó khăn nên việc bố trí phân bổ từ ngân sách tỉnh chưa được kịp thời theo tiến độ đề án. Thời tiết các năm gần đây mưa nhiều, ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện công trình.
Giá cả vật liệu, nhiên liệu biến động tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, mà còn làm tăng tổng mức đầu tư nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thực trạng vừa nêu đã làm tăng phần ngân sách đối ứng của địa phương, do vậy, gây khó khăn trong cân đối nguồn vốn đối ứng thực hiện đề án ở cơ sở, đặc biệt là các huyện miền núi. Theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một số địa phương gặp trở ngại trong vận động người dân hiến đất làm đường, nhất là hệ thống tuyến ĐH.
Ông Trần Ngọc Thanh cho hay, để thực hiện danh mục khối lượng đang phê duyệt, ngân sách tỉnh cần bố trí 703,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương. Đến nay, kinh phí đã phân bổ 600 tỷ đồng, còn thiếu 103,5 tỷ đồng và tiếp tục bố trí trong các năm 2024, 2025.
Đối với phần kinh phí còn lại 62,5 tỷ đồng (trong tổng số 766 tỷ đồng sau khi điều chỉnh), Sở GTVT đã đề xuất tham mưu UBND tỉnh chấp thuận danh mục cho phép đầu tư kiên cố hóa các tuyến đường đến trung tâm thôn để hoàn thành chỉ tiêu các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết số 38 và Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy (hơn 99% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa) với tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ 15,6 tỷ đồng.
Còn lại 46,9 tỷ đồng, Sở GTVT tổng hợp tham mưu UBND tỉnh cho phép đầu tư kiên cố hóa ĐH và GTNT cho các huyện đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.