Quảng Nam đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút những dự án chất lượng.
Suy giảm đầu tư
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, Quảng Nam hiện có 1.349 dự án đầu tư còn hiệu lực (200 dự án FDI, tổng vốn hơn 6,2 tỷ USD và 1.149 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn 230.000 tỷ đồng).
Các nhà đầu tư này, cộng với 9.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đang vận hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đã góp sức đưa Quảng Nam đứng vào “gia đình các tỉnh, thành” điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017 (tỷ lệ gia tăng từ 10% lên 14% và hiện nay đã là 18%).
Tuy nhiên, sự vận hành của thị trường diễn ra không như mong đợi. Đại dịch COVID-19 đã trì hoãn nỗ lực của địa phương trong việc thu hút đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, số lượng nhà đầu tư, doanh nghiệp (FDI và nội địa) đang có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.
Dữ liệu thống kê cho thấy, năm 2020, Quảng Nam thu hút 81 dự án (10 dự án FDI và 71 dự án đầu tư nội địa) thì năm 2021, chỉ cấp mới 57 dự án đầu tư (7 dự án FDI và 50 dự án đầu tư nội địa).
So với năm 2020, các dự án nội địa được cấp mới giảm 43,4% về số lượng, giảm 40,8% về tổng vốn đăng ký đầu tư. Số lượng cấp mới dự án FDI chỉ giảm 30%, nhưng tổng vốn đăng ký đã giảm đến 60%.
Đại dịch kéo theo sự giãn cách xã hội 2 năm (2020 &2021) đã khiến việc kết nối với các cơ quan, đại sứ quán các nước hoặc tổ chức các cuộc xúc tiến, thu hút đầu tư không thể thực hiện được.
Nhưng, kết thúc dịch, việc thu hút đầu tư cũng không có dấu hiệu khả quan hơn. Năm 2022, có khoảng 65 dự án đầu tư được cấp phép, nhưng chỉ có 5 dự án FDI.
Dù không thiếu các hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá tiềm lực địa phương tại các diễn đàn, hội thảo đầu tư quốc tế và quốc nội, nhưng năm 2023, địa phương chỉ thu hút 22 dự án đầu tư (19 dự án đầu tư nội địa và 3 dự án FDI, với số vốn đăng ký 100 tỷ đồng cho dự án nội địa và gần 8 triệu UDS/1 dự án FDI).
Chờ đợi sự thay đổi
Việc thu hút đầu tư từ các dự án tư nhân hay FDI được xem là những dữ liệu đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương diễn ra ngày càng khốc liệt, Quảng Nam làm gì để thu hvút nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương?
Có lý do để chính quyền và cơ quan quản lý địa phương chờ đợi vào một sự thay đổi đáng kể trong việc thu hút đầu tư. Một tín hiệu khả quan là chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2024, đã cấp mới đến 20 dự án đầu tư (7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 124,2 triệu USD và 13 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký 4.122,5 tỷ đồng).
Và theo một phân tích khác, việc chấm dứt tình trạng cấp phép ồ ạt, không kiểm chứng năng lực, tài chính của nhà đầu tư có thể sẽ làm kết quả thu hút đầu tư không gia tăng như trước, nhưng sẽ lựa chọn được những dự án đầu tư chất lượng.
Quảng Nam đã xây dựng được các danh mục dự án tương đối đầy đủ, bao quát trên mọi lĩnh vực (khoảng 200 dự án, 50 dự án ưu tiên thu hút đầu tư).
Chỉ cần một “cú nhấp chuột” vào bản đồ số hóa, các nhà đầu tư dễ dàng tìm thấy các dự án mời gọi đầu tư địa phương đang cần có phù hợp với ý định, năng lực đầu tư của mình hay không. Tất cả dự án kêu gọi đầu tư sẽ được rà soát, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện (từ hồ sơ, thủ tục... cả vòng đời của một dự án).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, không chỉ có cơ chế, chính sách hợp lý, công khai, minh bạch..., mà ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh thu hút đầu tư giảm sút hiện nay là bảo vệ các dự án đầu tư còn hiệu lực.
Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; triển khai nhanh dự án, mở rộng sản xuất, kinh doanh; sự thành công của các dự án đã và đang đầu tư; thái độ cầu thị... sẽ là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của địa phương. Đây sẽ là tấm vé “thông hành”, bảo chứng, tác động đến quyết định của nhà đầu tư có chọn Quảng Nam để đầu tư hay không.