Tôi đã có dịp giới thiệu cùng bạn đọc Báo Quảng Nam về văn hóa nói láo đất Quảng Nam. Với người Quảng Nam, nói láo chỉ nhắm đến mục đích thuần túy là giải trí, giúp vui cho người khác chứ không nhằm lừa gạt ai, phỉnh phờ ai để mưu lợi ích không chính đáng cho mình.
Tính trào phúng, tính giải trí và tính nghệ thuật trong nói láo của người Quảng Nam đã nâng những câu chuyện nói láo trở thành những màn tấu hài bình dân thú vị, tạo ra một phong cách sử dụng văn nói nhằm tạo tiếng cười đặc sắc mà có lẽ ít vùng miền có được.
Chuyện nói láo Quảng Nam xưa nay không gợi nên những suy nghĩ sinh lý vật chất phàm tục; không kích thích lối sống thấp hèn; chủ yếu chỉ gây cười. Chuyện nói láo đời mới Quảng Nam thoạt nghe thì có vẻ nặng “đô”, nhưng tình ý và cứu cánh của nó thì cực kỳ trong sáng, thậm chí có vẻ thơ mộng nữa. Đắc thủ truyền thống trào phúng đó, người Quảng Nam ngày nay hình thành một lối nói láo hiện đại - hiểu theo nghĩa nội dung những chuyện nói láo gắn liền vào sinh hoạt xã hội hôm nay và những câu chuyện nói láo cũng có một kiểu kết cấu mạch lạc hơn, kín kẽ hơn. Nói láo hiện đại cũng dựa trên nền tảng cơ bản của nói láo dân gian cổ điển nhưng chiều sâu được nâng cao để trở thành những câu chuyện kỳ khôi, khó tin mà không chừng là… có thật.
Giỏi hơn bác sĩ
“Chị nọ là vợ của một cán bộ trẻ đang làm việc tại Quảng Nam, vào bệnh viện sinh đứa con đầu lòng. Chị có vẻ rất đau, nằm sáu tiếng đồng hồ mà chưa sinh được. Các bác sĩ hội ý, quyết định điện thoại mời anh chồng đến ký giấy cho chị sinh mổ.
Anh chồng đến, nghe ý kiến của các bác sĩ rồi nói cứng: “Dễ ẹc, các bác sĩ cứ để tôi lo!”. Anh bèn cầm một cái gì đó trên tay, đến giở váy sinh của vợ lên rồi nhảy nhót một hồi, khuôn mặt rất tếu. Chị vợ thấy chồng nhảy nhót, thất cười quá ho lớn một tiếng. Đứa bé lọt lòng mẹ, khóc oa oa. Ca sinh bình thường; bác sĩ trưởng khoa phục anh chồng quá, hỏi: “Chớ ông cầm cái chi nhảy nhót mà bả sinh nhanh quá rứa?”. Anh chồng đáp: “Tui cầm cây kẹo mút! Con nít hắn thấy mình cầm kẹo mút nhử thì thèm ăn, phải ra mà ăn kẹo thôi”.
Dẫn chứng ở trên và các dẫn chứng sau đây là những câu chuyện tôi nghe bà con kể lại hoặc do tôi “chế biến” ra cho phù hợp tỳ vị của người Quảng Nam. Và bởi là những câu chuyện nói láo cho nên nó không cần được kiểm chứng và cũng không cần thiết phải kiểm chứng. Nụ cười trong nói láo hiện đại nhiều khi là nụ cười thầm, cười mà vẫn tỉnh như người nước Anh.
Con cá sống trên cạn
“Ông nọ là nghệ nhân chơi chim cá kiểng nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, thường tham gia những hoạt động triển lãm chim cá kiểng. Một hôm, ông xuống biển Tam Thanh, thấy bà con ngư dân vào bờ bán cá, bèn xuống xem. Ở đây, ông mua được một con cá nâu màu sắc rực rỡ, khá đẹp. Ông đem cá về nuôi, định thuần dưỡng nó thành con cá độc đáo nhất tỉnh.
Ban đầu, ông nuôi cá trong cái bình thủy tinh đựng nước biển. Nghĩ đi nghĩ lại mỗi tuần xuống biển lấy chục lít nước về cho cá sống thì tốn thì giờ quá, ông quyết nuôi cá trong… nước ngọt. Mỗi ngày, ông đổ vào bình thủy tinh 5 centimet khối nước ngọt hồ Phú Ninh. Cứ vậy, mấy tháng sau thì con cá nâu đã sống hoàn toàn trong nước ngọt.
Thế nhưng, cá sống trong nước thì xoàng quá, chẳng có cái gì là mới mẻ cả. Ông phải tập cho con cá sống trên cạn. Mỗi ngày, ông đổ vào bình thủy tinh 20 centimet khối cát. Đổ một thời gian, con cá lòi kỳ vi ra khỏi nước và cuối cùng nó nhảy nhót, ăn uống trong bình thủy tinh khô ráo, sống bình thường trong môi trường không khí.
Một ngày kia, ông đưa con cá nâu sống trên cạn đi tham gia triển lãm. Ai cũng trầm trồ khen ngợi con cá lạ và nghệ thuật thuần dưỡng cá của ông. Bỗng nhiên, trời trở gió và một cơn mưa trái mùa trút xuống. Mải bận việc che mưa cho các lồng chim, nghệ nhân quên mất con cá. Cho đến khi ông nhớ ra, trở lại với cái bình thủy tinh nuôi con cá quý thì mới hỡi ôi. Con cá ông đã bị chết đuối trong bình vì nước mưa!”.
Viết lại chuyện nói láo thì rất dễ nhưng thuật chuyện nói láo cho người khác nghe để cùng giải trí lại là điều rất khó khăn. Người nói láo phải sắp đặt diễn tiến câu chuyện sao cho rồng rắn; các chi tiết thực và hư lẫn lộn đan xen nhau, dẫn dắt người nghe đi vào chỗ lơ mơ không phân biệt rõ thật và giả. Câu chuyện nói láo luôn luôn sử dụng thủ pháp phóng đại, được đẩy lên xa so với hiện thực. Kết luận dừng đúng ở “cao trào” sao cho người nghe bị mê hoặc, cuối cùng mới nhận ra rằng mình đang nghe… nói láo, sảng khoái bật lên tràng cười ha hả. Quá trình nói láo phải đi qua hai động tác “lộng chân thành giả” và “lộng giả thành chân”. Thiếu một trong hai, câu chuyện nói láo không còn là nói láo nữa. Thí dụ câu chuyện sau đây:
Chỉ có một con lớn
“Một khách sạn nọ ở Tam Kỳ đón ông khách từ nơi xa tới, ăn nói rất khó chịu. Cái gì ở Quảng Nam cũng bị ông chê là nhỏ; từ đường Hùng Vương tới siêu thị, từ biển Tam Thanh tới Sông Đầm, từ cọng rau húng ăn mỳ Quảng tới con gà - tất cả đều là nhỏ tuốt. Khách sạn bố trí cho ông ta căn phòng đôi rộng gấp hai phòng thường, cũng bị ông chê là phòng quá nhỏ luôn.
Chủ khách sạn bực mình, biểu anh bảo vệ đi tìm mua một con rùa cỡ hai ký, xịt sơn xanh đỏ lên mai rùa. Đợi cho ông khách ra khỏi phòng, chủ khách sạn đem con rùa bỏ vào dưới tấm ra trải giường của khách. Ông khách đi nhậu 11 giờ khuya mới về, giở tấm ra thì thấy… con rùa. Hoảng quá, ông gọi xuống cho phòng tiếp tân. Chủ khách sạn cùng hai bảo vệ chỉ chờ có vậy, đi lên phòng ông khách ngay. Ông khách mặt tái mét, hỏi: “Cái con gì mà to lớn chết khiếp thế này?”. Chủ khách sạn cười: “Thưa ông, con này chuyên núp trong giường trong chiếu hút máu người ta. Quảng Nam chúng tôi gọi nó là con rệp!”. “Cái gì? Rệp à? Nó là con rùa chứ rệp gì?”. “Không, người Quảng Nam gọi con này là rệp. Rùa ở Quảng Nam lớn lắm, khoảng ba chục ký lận”.
Bởi nói láo không bị… đóng thuế cho nên người Quảng Nam giàu tính trào phúng cứ nói láo thoải mái, làm vui cho đời. Tôi xem trên truyền hình cả nước thấy người ta hay giới thiệu những “danh hài”. Với nhận xét chủ quan của mình, tôi xin lỗi được nói thật: các màn hài hước của “danh hài” đó làm tôi cười không nổi. Mỗi khi mở ti vi lên gặp cảnh tấu hài, tôi phải cởi trần, nhờ hai thằng cháu nội đứng hai bên phía sau lưng cầm chổi lông gà chọt lui chọt tới vào nách mình, mong bật ra được một tiếng cười sinh lý khô khan.
----------------
Bài 2: Cười đủ kiểu
Trong tiếng cười của người Quảng Nam luôn ẩn chứa một thái độ, một tâm tình; hoặc phê phán, hoặc hào sảng, hoặc thể hiện tính chất phác của mình.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN