|
Người Quảng Nam sử dụng tiếng cười không đơn thuần chỉ là tìm kiếm niềm vui cho mình và làm cho người khác vui. Tiếng cười ấy luôn luôn bày tỏ một thái độ, một tâm tình; hoặc phê phán, hoặc hào sảng, hoặc thể hiện tính chất phác của mình. Mời các bạn nghe các câu chuyện sau đây:
Nói dịu dàng
Nhà vua đi kinh lý Quảng Nam, dẫn theo hoàng hậu và vị thái tử mười tuổi cùng một lò, một dọc mấy chục ông quan lớn. Đoàn tuần du nghỉ lại trong dinh tuần vũ. Buổi sáng mát mẻ, nhà vua thức sớm đưa thái tử ra sân hít thở không khí trong lành. Thái tử láu táu, thấy con ngựa của tuần vũ Quảng Nam đứng trong sân, bèn nhảy lên mình ngựa. Con ngựa không chịu được hơi người lạ, hý vang không chịu đứng yên, cứ nhảy nhót.
Hết nhà vua tới hoàng hậu, hết các đại thần tới tuần vũ Quảng Nam năn nỉ mãi mà thái tử không chịu xuống. Cuối cùng, một viên thư lại ốm nhách khom lưng tâu: “Khải bẩm Đức Ngự, xin cho tiểu thần nói mấy lời với thái tử”. Nhà vua chuẩn y. Viên thư lại tiến ra, cầm cương con ngựa, gãi vào cổ nó một chút cho nó đứng yên. Xong rồi ông ta tiến đến bên thái tử, nói nhỏ vào tai thái tử một hồi. Thái tử tái mặt, ngoan ngoãn bước xuống ngựa, chạy lại nấp sau lưng hoàng hậu.
Nhà vua khen ngợi viên thư lại hết lời, thưởng cho mấy chục quan tiền rồi hỏi: “Ngươi nói làm sao mà thái tử chịu bước xuống ngựa giỏi vậy?”. “Khải bẩm Đức Ngự, tiểu thần chỉ nói mấy lời dịu dàng theo đúng tiếng Quảng Nam thôi ạ. Tiểu thần không dám thuật lại, sợ bị bắt tội vì làm rườm tai Đức Ngự và hoàng hậu”. “Giỏi! Trẫm muốn nghe những lời dịu dàng đó. Ngươi cứ thuật lại nguyên văn, trẫm không trách phạt ngươi đâu”. “Xin tạ ơn Đức Ngự. Tiểu thần nói: Nề thằng ôn vật kia, chớ mi là con nhà ai; thằng mô con mô sinh ra mi mà mi lỳ như trâu rứa? Mi bước xuống ngựa chưa? Mi mà không bước xuống, tau sẽ chập bốn cây roi mây đánh vào đít mi liên hồi kỳ trận; một tiếng kêu cha, ba tiếng kêu mẹ, vọt cứt té đái đến mụ nội mi cũng không can nổi bây chừ. Bước xuống, đồ con ranh!”.
Sở dĩ tôi đưa một chuyện nói láo hơi bị cổ điển vào lối nói láo hiện đại là bởi vì người ta vẫn cho rằng Quảng Nam có lối văn nói “Ăn một cục, nói một hòn”. Thật ra, chuyện cục và hòn đó là tùy theo hoàn cảnh, tùy theo đối tượng mà đem ra dùng. Trong trường hợp này, chắc chắn viên thư lại không chỉ nhằm chửi thái tử.
Câu chuyện nói láo sau đây chỉ nhằm gạt… vợ để kiếm tiền uống rượu gạo. “Con ơi, nhớ lấy lời cha/ Một ly rượu gạo bằng ba tô mỳ” - ca dao đời mới Quảng Nam có câu như vậy. Chính vì vậy mà anh chồng khoái rượu gạo phải nói láo với vợ mình để kiếm tiền uống rượu.
Tui đem cầm rồi
Buổi chiều, anh nọ mặc áo ra đi. Túi không còn tiền, anh năn nỉ chủ quán bán chịu cho một ly rượu gạo. Uống xong, anh quay về nhà; nghĩ lại chuyện người ta có tiền uống cả xị mà mình chỉ dám uống chịu một ly nhỏ, anh đâm ra tủi thân, mặt mũi buồn thiu như vừa đưa đám ma. Chị vợ thấy chồng về sớm, mặt buồn rầu, hỏi: “Răng bữa ni anh về sớm vậy? Có chuyện chi mà buồn quá sức rứa?”. Nghe vợ hỏi, anh chồng sướng cái bụng như trúng số độc đắc nhưng vẫn giả bộ buồn rầu, nói: “Tui nói chuyện này mong bà đừng trách. Tui đã đem cái… “của quý” đi cầm rồi. Từ nay, tui không làm chuyện vợ chồng với bà được nữa”. Chị vợ la hoảng: “Trời ơi, cái đó là của tui! Ai cho phép ông đem đi cầm? Mà cái chỗ bất nhơn mô lại chịu cầm thứ đó?”. “Tui cầm ở tiệm cầm đồ. Đàn ông huyện ni đem nó cầm thiếu chi. Người ta đựng cả giỏ bội chớ đâu phải mình tui”. “Ông cầm bao nhiêu tiền?” “Được một trăm đồng. Uống rượu gạo hết rồi”. Chị vợ vội vàng móc túi ra: “Đây, tui đưa ông một trăm rưỡi đi chuộc nó về. Mà ông cũng nhớ chịu khó chọn cái mô trộng trộng cho tui chút nghe”.
Người Quảng Nam luôn luôn giữ được trực tính; có chi nói nấy, nghĩ sao nói vậy. Về điểm này, bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất khoái người Quảng Nam. Mời bạn xem câu chuyện nói láo sau đây - một câu chuyện nói láo rất… đạo đức, gắn liền với kinh nghiệm nuôi con.
Nghĩ răng nói rứa
Chị nọ người Quảng Nam sinh đứa con trai đầu lòng. Nhà nghèo không có tiền mua sữa bột công nghiệp cho con, chị chỉ cho con bú mẹ, lại sợ mình ít sữa nên cứ lo ngay ngáy. Một hôm, bà hàng xóm qua thăm. Chị hỏi: “Bác nề, làm răng có đủ sữa cho con bú hả bác?”. Bà hàng xóm chỉ: “Mi mua chừng hai cái giò heo, hai trái thu đủ. Mỗi tuần, mi hầm một cái giò heo, một trái thu đủ; ăn và uống luôn cả nước là dư sức có sữa cho thằng bé bú”. Chị làm đúng theo lời bà hàng xóm chỉ dẫn; quả nhiên có sữa thật nhiều; thằng bé bú mẹ lớn nhanh, tròn quay như hột mít.
Bà hàng xóm lại qua thăm, hỏi: “Răng, mi có sữa nhiều chưa con?”. Chị hớn hở trả lời: “Bác chỉ dạy hay quá. Con ăn hết hai cái giò heo hầm với hai trái thu đủ, sữa ra ào ào, thằng nhỏ bú không kịp. Đến ông nội nó có bú cũng không hết sữa, bác nghe!”.
Nói láo Quảng Nam ngày nay đi vào những khía cạnh dân sinh, dân trí hiện đại. Khoa học sinh sản đã chứng minh rằng không có loại sữa công nghiệp nào bổ dưỡng và tốt hơn sữa mẹ dành cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc cho con bú lại tùy thuộc từng nơi, từng người nên kết quả dinh dưỡng cũng khác nhau chút ít. Mời các bạn nghe câu chuyện sau đây:
Có mùi rượu gạo
Hai thằng bé cùng tám tuổi ngồi chơi dưới trụ loa truyền thanh xã; một thằng thì ú na ú nần, một thằng thì gầy nhom. Lúc ấy, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam đang phát chương trình “Hãy nuôi con bằng sữa mẹ”; cả hai đứa cùng lắng tai nghe.
Thằng bé gầy hỏi thằng bé ú: “Hồi nhỏ, mi uống sữa chi mà mập rứa?”. “Tau chỉ bú sữa mẹ tau. Sữa mẹ tau ngọt và thơm lắm. Còn mi, mi bú sữa chi mà ốm rứa?”. “Tau cũng chỉ bú sữa mẹ tau. Lạ lắm nghe mi, nhiều khi tau bú lại ngửi thấy mùi rượu gạo ở đầu vú mẹ nên tau lè ra. Vì rứa mà tau ốm.
Mỗi thời đại có một lối sinh hoạt khác nhau. Người Quảng Nam cũng đương nhiên cập nhật hóa được những thông tin mới mẻ của thời đại mình. Có thể một bà cụ ở vùng nông thôn Quảng Nam chưa thực sự nhìn thấy hình ảnh đồng đô la Mỹ như thế nào nhưng qua những thông tin kinh tế về xuất nhập khẩu thu được bao nhiêu đô la Mỹ, họ cũng hình dung ra được đó là một đồng ngoại tệ giá trị. Vì vậy mà có câu chuyện nói láo sau đây:
Đồ nhen lửa
Một bà cụ gánh lá chuối ra chợ bán, cuối buổi chợ chỉ còn mấy miếng lá chuối khô gánh về. Phía trên mớ lá chuối khô, bà bỏ một xấp chừng mười tờ đô la Mỹ thứ thiệt; mỗi tờ 100 đô la (tương đương 22 triệu đồng), cột hờ hững trong một cái dây thun.
Viên cán bộ thuế vụ thấy xấp đô la thiệt, la lên: “Trời ơi, bác cất xấp đô la ni vào trong túi áo đi. Tiền ni quý lắm nghe bác, coi chừng để hớ hênh là kẻ trộm cắp lấy như không đó”. “Quý lắm hả? Rứa mà tau định đem về nhen lửa nấu cơm chiều đó”.
---------------------
Bài cuối: Đề tài mới thì phong cách mới
Nói láo hiện đại nhưng vẫn có căn có đế, thoạt nghe tưởng là vớ vẩn, nghe kỹ lại thấy cái triết lý sống đời hồn nhiên, vui tươi hiện ra.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN