(QNO) - Sáng nay 23/11, tại xã Bình Nam (Thăng Bình), UBND tỉnh tổ chức lễ phát động trồng cây nhân kỷ niệm 63 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2022). Các đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ngày càng gia tăng ở nhiều nơi, để lại hậu quả rất nặng nề.
Tại Quảng Nam, bão số 9 và mưa lũ tháng 10/2020 đã làm ngã đổ thiệt hại gần 75.000ha rừng trồng, cây lâm nghiệp; gây thiệt hại nặng nề về người và của cải vật chất từ các huyện miền núi cao đến các vùng đồng bằng, ven biển.
Bằng các nguồn lực khác nhau, thời gian qua Quảng Nam triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể như chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; kế hoạch trồng rừng gỗ lớn; dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các công đồng dễ bị tổn thương ven biển; các dự án KFW10, Trường Sơn Xanh, quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học... thu hút sự tham gia trồng, bảo vệ của cả cộng đồng.
[VIDEO] - Lễ phát động trồng cây gây rừng:
"Bình quân hằng năm Quảng Nam trồng 20.000ha rừng. Đến cuối năm 2021, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 680.250ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 463.350ha và diện tích rừng trồng 216.900ha. Việc triển khai các chương trình, dự án đó đã mang lại kết quả to lớn, giúp độ che phủ rừng ngày càng được nâng cao, từ 48,3% năm 2011 lên 58,61% vào cuối năm 2021" - ông Bửu nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tết trồng cây và đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Bửu đề nghị các cấp, ngành và cộng đồng hành động một cách tích cực, quyết liệt hơn nữa trong ứng phó trước thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong đó xem việc trồng cây, trồng rừng là giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên bền vững.
Để việc trồng rừng ngày càng được triển khai sâu rộng, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững, góp phần thể hiện quyết tâm và trách nhiệm trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt hơn nữa cam kết tối ưu hóa hấp thụ lượng các bon...
"Với khí thế và quyết tâm mới, hy vọng phong trào trồng cây gây rừng sẽ tạo được sự lan tỏa lớn, rộng khắp trong toàn tỉnh, trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân xứ Quảng trên hành trình phấn đấu đưa Quảng Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững" - ông Bửu nhấn mạnh.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu và lực lượng kiểm lâm, người dân địa phương đã tham gia trồng cây rừng bản địa như cây dó bầu, keo lá tràm... dọc tuyến đường ven biển, tạo cảnh quan môi trường thêm xanh - sạch - đẹp.