Giáo dục - Việc làm

Quảng Nam phát triển hạ tầng giáo dục - đào tạo

XUÂN PHÚ 15/03/2024 11:47

GD-ĐT từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học của Quảng Nam khá đa dạng, song cần một chiến lược đầu tư phát triển theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

dsc_0429.jpg
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội là nhu cầu rất lớn của Quảng Nam trong giai đoạn tới. Ảnh: X.PHÚ

Đủ loại hình

Theo đánh giá, Quảng Nam là tỉnh có quy mô trường, lớp, học sinh (HS) tương đối lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Mạng lưới trường, lớp có đủ cấp học, bậc học, ngành học, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; đủ loại hình công lập, tư thục, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Giáo dục phổ thông cả tỉnh có tổng số 727 trường được phân bố đều khắp các địa bàn; trong đó mỗi huyện, thị xã, thành phố có 2-5 trường THPT. Trường học được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang; đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Nhiều năm gần đây, HS Quảng Nam tham gia các kỳ thi toàn quốc luôn đạt thứ hạng cao. Gần nhất là tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2023-2024, Quảng Nam đoạt 71 giải, gồm 2 nhất, 11 nhì, 17 ba và 41 khuyến khích (cao nhất kể từ năm 1997 đến nay cả về số lượng lẫn chất lượng giải), xếp vị thứ 15 cả nước, thứ 5 khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Đặc biệt, lần đầu tiên Quảng Nam có HS xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế là Đỗ Phú Quốc - HS Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP.Hội An).

Giáo dục cao đẳng, đại học cũng có sự phát triển mạnh trong thời gian qua. Khi tái lập tỉnh 1997, Quảng Nam chưa có trường đại học và đến nay có 2 trường đại học, gồm Trường Đại học Quảng Nam đào tạo đa ngành và Đại học Phan Châu Trinh đào tạo về lĩnh vực khoa học sức khỏe.

dsc_0601.jpg
Trường Đại học Quảng Nam cần tăng các ngành nghề đào tạo, phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực. Ảnh: X.PHÚ

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 7 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó có hai trường của tỉnh là Cao đẳng Quảng Nam và Cao đẳng Y tế Quảng Nam.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, tổng tuyển sinh, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh là 130.292 người, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh.

Dù vậy, giáo dục đại học và nghề nghiệp Quảng Nam đang gặp thách thức rất lớn. Trường Đại học Quảng Nam nằm bên cạnh các trung tâm giáo dục lớn với quy mô tuyển sinh ngày càng mở rộng nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Tỷ lệ đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường có học hàm, học vị tiến sĩ còn thấp, nhất là thiếu ở các ngành đào tạo mà xã hội có nhu cầu cao. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu.

Các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ cho yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn thiếu và chưa được đầu tư đúng mức.

Tiếp tục mở rộng

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua mạng lưới trường học cũng được sắp xếp, mở rộng qua việc thành lập thêm nhiều trường học mới.

dsc_0056.jpg
Dù có Trường THPT Lương Thế Vinh nhưng vùng Đông của Điện Bàn cần có thêm ngôi trường THPT nữa để giải quyết chỗ học cho HS. Ảnh: X.PHÚ

Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển khu cụm công nghiệp mạnh mẽ, nhu cầu về trường lớp khó đáp ứng. Chẳng hạn, tại Điện Bàn, vùng Đông của thị xã có Trường THPT Lương Thế Vinh nhưng không đáp ứng đủ do số lượng HS tăng đột biến.

Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, cứ đến mùa tuyển sinh lớp 10 sở phải làm việc với Điện Bàn và TP.Hội An để giải quyết chỗ học cho học trò. Do đó, trong quy hoạch của ngành giai đoạn tới sẽ xây dựng mới 1 ngôi trường THPT tại đô thị Nam Phương để giảm tải áp lực tuyển sinh lên Trường THPT Lương Thế Vinh và 1 trường tại khu vực Điện Thắng.

Tương tự, Duy Xuyên sẽ xây dựng mới 1 trường THPT tại vùng Duy Hải - Duy Nghĩa, bởi nơi đây trở thành đô thị vào năm 2025. Cạnh đó, ngoài 5 trường THPT hiện có, huyện Thăng Bình sẽ có thêm 1 trường THPT khu vực phía nam quốc lộ 14E.

Đối với giáo dục chuyên nghiệp, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đầu tư khu giáo dục đại học thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế để hình thành hai trung tâm theo mô hình đô thị đại học, gồm phía bắc tại Điện Bàn gắn với TP.Đà Nẵng và phía nam gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai để trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao hàng đầu đối với một số lĩnh vực của vùng.

Đồng thời tập trung đầu tư phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiệm cận chất lượng đào tạo, trình độ các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines), có kỹ năng nghề phù hợp tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ phát triển các ngành nghề trọng điểm của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong đó, bên cạnh nâng cấp các trường hiện có như Cao đẳng Quảng Nam, Y tế, Thaco,… còn xây dựng mới trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam phát triển hạ tầng giáo dục - đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO