Trước thực trạng sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng cạn vụ đông xuân, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân triển khai những biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Sâu bệnh trên cây đậu phụng
Thời điểm trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, bệnh thối gốc mốc trắng và bệnh héo xanh vi khuẩn phát sinh gây hại trên nhiều ruộng đậu phụng của xã Duy Châu (Duy Xuyên).
Ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024 người dân địa phương sản xuất 60ha đậu phụng, trong đó thôn Lệ Bắc có diện tích nhiều nhất.
Thời gian qua, trên địa bàn xã có hơn 7ha đậu phụng bị nhiễm bệnh thối gốc mốc trắng và bệnh héo xanh vi khuẩn với tỷ lệ hại bình quân khoảng 20%.
“Trước tình trạng trên, chính quyền xã Duy Châu yêu cầu cán bộ Ban nông nghiệp xã và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở phối hợp với ban nhân dân các thôn hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đặc hiệu để phun trừ 2 loại bệnh vừa nêu. Đến nay, nấm bệnh trên hầu hết ruộng đậu phụng đã được khống chế” - ông Hưng nói.
Theo ngành nông nghiệp Duy Xuyên, vụ đông xuân này nông dân 14 xã, thị trấn của huyện gieo trồng 700ha đậu phụng. Thời gian qua, toàn huyện có 11ha đậu phụng bị nhiễm bệnh thối gốc mốc trắng, trong khi đó bệnh héo xanh vi khuẩn cũng phát sinh gây hại rải rác ở nhiều nơi.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện được phân công đứng điểm ở các địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở hướng dẫn nhà nông triển khai hiệu quả những biện pháp phòng trừ.
Thông tin từ Sở NN&PTNT, đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh canh tác tổng cộng 6.931ha đậu phụng. Hiện nay, phần lớn diện tích đậu phụng nêu trên đang trong thời kỳ ra hoa - đâm tia, lớn quả.
Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, thời gian qua tại Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn có 35ha đậu phụng bị nhiễm bệnh thối gốc mốc trắng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023 chỉ có 0,5ha đậu phụng nhiễm loại bệnh này.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Nông Sơn, Hiệp Đức có 15ha đậu phụng bị nhiễm bệnh héo xanh vi khuẩn; cùng kỳ năm trước không có diện tích nhiễm bệnh. Cạnh đó, bệnh héo rũ gốc mốc đen, sâu ăn lá, sâu xám, sâu khoang, rầy mềm… cũng phát sinh gây hại rải rác ở nhiều vùng.
Cảnh giác trên các cây trồng khác
Theo ngành nông nghiệp, vụ này nông dân toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 4.614ha sắn, chủ yếu cơ cấu 2 loại giống là PLT01 và KM94. Trong số diện tích sắn vừa nêu, Quế Sơn có 1.778ha, Thăng Bình 551ha, Đông Giang 450ha, Núi Thành 400ha, Nam Giang 335ha, Phước Sơn 250ha, Duy Xuyên 237ha…
Hiện nay, hầu hết diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đang giai đoạn cây con và phát triển thân lá, củ. Tuy nhiên, thời gian qua bệnh khảm lá phát sinh gây hại cục bộ nhiều ruộng sắn ở Quế Sơn.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, tính đến thời điểm này toàn huyện Quế Sơn đã có 1.000ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ hại trung bình 10 - 20%, nơi cao 30 - 50%.
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn nói: “Hiện nay, bệnh khảm lá trên cây sắn vẫn chưa có thuốc đặc hiệu phun trừ. Để giảm thiểu thiệt hại, nông dân cần nhổ bỏ những cây sắn bị nhiễm bệnh, còi cọc, không phát triển nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút gây bệnh”.
Đông xuân năm nay, nông dân Quảng Nam gieo trồng 4.003ha bắp, trong đó phần lớn diện tích sử dụng các loại giống DK6919, CP333, HN88...
Hiện hầu hết ruộng bắp đang thời kỳ 5 - 7 lá, trổ cờ - phun râu. Đáng chú ý, những ngày qua sâu keo mùa thu gây hại rải rác trên các ruộng bắp ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức. Trong khi đó, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn - nhỏ phát sinh ở Hội An.
Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, hiện nay sâu xanh, sâu tơ, bệnh đốm lá, bệnh thối nhũn, bệnh lở cổ rễ gây hại trên các loại rau ăn lá tại nhiều địa phương; bệnh thán thư, phấn trắng, giả sương mai, héo xanh vi khuẩn gây hại rải rác trên những loại cây họ bầu - bí ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn; bệnh héo xanh vi khuẩn phát sinh rải rác trên cây ớt ở Đại Lộc. Ngoài ra, bệnh chết chậm, rệp sáp, tuyến trùng cũng gây hại trên các vườn tiêu ở Tiên Phước, Hiệp Đức...