Quảng Nam tập trung triển khai nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản về triển khai Nghị quyết số 139 ngày 17/5/2025 của Chính phủ; trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố truy cập địa chỉ http://qppl.vpubnd.quangnam.vn hoặc cập nhật file đính kèm để tải nghị quyết nêu trên về nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 139 (triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân) được cho là bước đi cụ thể nhằm thiết lập các cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đòn bẩy để khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, cập nhật các quy định tại nghị quyết nêu trên, kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết này trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định.
Nghị quyết số 139 đề ra kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198 với 5 nhóm chính sách trọng tâm nhằm tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực chất. Cụ thể:
(1) Gỡ bỏ rào cản thể chế và điều kiện kinh doanh: Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2025; giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh, đồng thời tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo...
(2) Ưu đãi tài chính, thuế và tín dụng: Hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong những năm đầu hoạt động...
(3) Khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua các quỹ hỗ trợ, vườn ươm và các chương trình kết nối thị trường; tài trợ nghiên cứu phát triển (R&D), kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học nhằm nâng cao năng lực công nghệ...
(4) Phát triển nguồn nhân lực và chuỗi liên kết: Chính phủ khuyến khích các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp tư nhân...
(5) Cơ chế phản hồi nhanh và xử lý vướng mắc: Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách...