Quảng Nam tập trung ứng phó với mưa lũ

T.CÔNG 15/10/2023 18:44

(QNO) - Chiều tối nay 15/10, UBND tỉnh phát đi công điện tập trung ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh đối với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các sở, ban ngành và lãnh đạo UBND các địa phương.

Người dân TP.Tam Kỳ đưa vật nuôi đến nơi an toàn tránh ngập lụt vào chiều 15/10
Người dân TP.Tam Kỳ đưa vật nuôi đến nơi an toàn tránh ngập lụt vào chiều 15/10

Theo ghi nhận, từ ngày 11/10 đến 15/10, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi lớn hơn như Cù Lao Chàm (852mm), Ái Nghĩa (708mm), Giao Thủy (696mm), Câu Lâu (617mm), Hội An (613mm), Nông Sơn (556mm), Núi Thành (499mm), Thăng Bình (497mm), Tam Kỳ (454mm)...

Dự báo từ nay đến ngày 17/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi trên 350mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm.

Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Cơ quan chức năng cảnh báo từ nay đến ngày 18/10, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 4 - 7m, hạ lưu đạt từ 1 - 3m. Đỉnh lũ trên các sông Vu Gia ở mức báo đông 2 đến trên báo động 3, trên sông Thu Bồn ở mức báo động 2 đến trên báo động 2, trên sông Tam Kỳ ở mức báo động 1 đến báo động 2.
Ngoài ra, trong 24 giờ tới, một vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm ảnh hưởng đến địa bàn Quảng Nam.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng với với thiên tai. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo khu vực ngập sâu.
Cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo khu vực ngập sâu.

Các địa phương, ban ngành tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét theo phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của địa phương, đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu báo cáo số liệu sơ tán dân theo phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân để phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,...); tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian mưa lũ. Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền các địa phương thông báo cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có phương án để chủ động ứng phó với mưa lũ.
Tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ, các doanh nghiệp được chỉ đạo tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt được nghỉ làm việc nhằm đảm bảo an toàn; sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó với thiên tai theo phương án của địa phương, đơn vị đã được phê duyệt.

Lực lượng chức năng được cử đến để túc trực, kịp thời phân luồng, hướng dẫn người dân lưu thông qua các đoạn ngập
Lực lượng chức năng được cử đến để túc trực, kịp thời phân luồng, hướng dẫn người dân lưu thông qua các đoạn ngập

Công an tỉnh, Sở GTVT được giao triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến quốc lộ 1 và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn. Nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có mưa lũ, nhất là các bến phà.

Sở GTVT phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.

Sở GD-ĐT căn cứ tình hình diễn biến của mưa lũ, chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học tại khu vực bị ảnh hưởng ngập lụt. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh. Từ đó, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Các đơn vị tập trung kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam tập trung ứng phó với mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO