Tài chính - Thị trường

Quảng Nam: Thương mại đa kênh thúc đẩy phát triển kinh tế

NGUYỄN QUANG 01/03/2024 08:36

Doanh nghiệp, tiểu thương ưu tiên bán hàng đa kênh để gia tăng hiệu suất bán hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

rsam.jpg
Ông Trương Đình Kiểm và sản phẩm rượu sâm Ngọc Linh. Ảnh: Q.VIỆT

Ưu thế đa kênh bán hàng

Những ngày này, Công ty TNHH MTV Bảo Ly (15 Chế Lan Viên, Tam Kỳ) chuẩn bị hàng hóa để tham gia cùng đoàn công tác của tỉnh dự chương trình Hội báo xuân toàn quốc năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 15-17/3 tại TP.Hồ Chí Minh.

Ông Trương Đình Kiểm - Giám đốc công ty cho biết, sẽ trưng bày, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Hội báo xuân gồm rượu lá, rượu hoa, rượu củ sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh ngâm mật ong.

Theo ông Kiểm, từ sau đại dịch đến nay, dù kinh doanh có hồi phục nhưng chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng, mỗi năm doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu đồng. “Tham gia Hội báo xuân là dịp tôi kết nối cung cầu với các doanh nghiệp để bán hàng đa kênh thúc đẩy phát triển kinh tế” - ông Kiểm nói.

Ông Trương Đình Kiểm cho biết thêm, công ty đang trồng 2 vùng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh (Nam Trà My) với tổng cộng gần 22ha.

Đồng thời phát triển sản phẩm mới viên tăng lực sâm Ngọc Linh và dự định đưa vào sản xuất viên bổ thận sâm Ngọc Linh và viên sâm Ngọc Linh chống stress.

Để khơi thông hàng hóa ra thị trường, bên cạnh duy trì điểm bán hàng truyền thống, ông Kiểm đầu tư lớn hơn cho bán hàng trực tuyến qua website, Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử, nhất là Lazada.

Xu thế hiện nay là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tập trung mở rộng đa kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến để đón nhận đơn hàng, rộng mở tiêu thụ hàng hóa.

Kinh doanh đa kênh đã bùng nổ, lan tỏa tới các chợ như Hội An, Tam Kỳ. Chị Trần Thanh Kim - tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ Tam Kỳ cho biết, từ đại dịch COVID-19, khách đến chợ vắng nên phải thay đổi phương thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội để tăng hiệu suất bán hàng.

“Bán hàng đa kênh tăng doanh thu hơn. Sắp tới tôi sẽ khôi phục một cơ sở bán hàng đã nghỉ từ hồi đại dịch” - chị Kim nói.

Cần tiếp sức, tạo động lực

Bán hàng đa kênh hiệu quả sẽ tăng lượng tiếp cận khách hàng, người tiêu dùng, qua đó khơi thông thị trường. Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tận dụng triệt để công nghệ số, các nền tảng số hóa để bán hàng.

truc-tiep.jpg
Bên cạnh bán hàng online, kênh offline tạo nên thương mại đa kênh thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: Q.VIỆT

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và có cách thức phù hợp để xây dựng, khẳng định thương hiệu hàng hóa.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, các doanh nghiệp bán lẻ khi xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh nên dần hoàn thiện mô hình quản lý để tiến tới hệ thống bán hàng hợp kênh.

Mô hình này sẽ giúp tất cả kênh bán hàng được đồng bộ với nhau về thông tin quản lý như sản phẩm, khách hàng, tồn kho, khuyến mại, hoàn tất đơn hàng.

Một khi chuỗi quản lý này đồng bộ sẽ mang lại trải nghiệm nhất quán cho khách hàng và giúp doanh nghiệp quản lý công việc kinh doanh dễ dàng, thuận lợi hơn.

Nhiều doanh nghiệp rất muốn thay đổi sang phương thức kinh doanh đa kênh để không bị bỏ lại phía sau. Doanh nghiệp cần nhất là các địa phương, ngành công thương tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về bán hàng trên sàn thương mại điện tử , hỗ trợ trang bị kỹ năng phân tích thị trường, đánh giá đối thủ cạnh tranh... trên nền tảng công nghệ số.

Thương mại điện tử tạo “làn sóng” phát triển

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), làn sóng thứ nhất của thương mại điện tử Việt Nam diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của dịch COVID-19 (tháng 2 đến tháng 4/2020).

Từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển tiếp theo của thương mại điện tử. Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử (tháng 6 đến tháng 9/2021) trong đợt dịch COVID-19 thứ tư.

Nhiều thương nhân, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại điện tử tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam: Thương mại đa kênh thúc đẩy phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO