Nhà đất

Quảng Nam tìm cách đốc thu tiền sử dụng đất

TRỊNH DŨNG 18/06/2024 08:00

Con số 2.700 tỷ đồng thu từ đất đã được Quảng Nam ấn định cho năm 2024. Nhưng làm thế nào để đạt được từ địa tô này vẫn là câu chuyện không dễ thực hiện.

4.jpg
Khu đô thị Cồn Tiến (Hội An) là một trong các dự án có khả năng sẽ thu được tiền sử dụng đất lớn trong năm 2024.

Tiến độ thu quá thấp

Thu ngân sách nội địa Quảng Nam năm 2023 vượt 2,7% dự toán trong bối cảnh nền kinh tế suy sụp (âm 8,25% GRDP) là bất ngờ vượt dự đoán của nhiều người (kể cả chính quyền và cơ quan quản lý). Kết quả ấn tượng này được đánh giá là một “cuộc lội ngược dòng ngoạn mục” về thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, các phân tích cho thấy, thu ngân sách tăng, nhưng thu tiền sử dụng đất không khả quan, khi không thể thu được con số 2.300 tỷ đồng dự toán, mà chỉ thu được hơn 1.911,6 tỷ đồng (chỉ đạt 83,1% dự toán).

Một điều bất ngờ đã xảy ra. Kế hoạch thu ngân sách Quảng Nam ngày càng giảm sút. Tất cả khoản thu chủ yếu năm 2024 đều thấp hơn dự toán lẫn thực hiện năm 2023 (ấn định chỉ 20.100 tỷ đồng thay vì 20.880 tỷ đồng như năm 2023), nhưng thay vì dự toán 2.300 tỷ như năm cũ, hoặc giao thấp hơn, thì thu tiền sử dụng đất lại ấn định lên đến 2.700 tỷ đồng. Con số này tăng đến 17,4% dự toán, tăng 35% so thực hiện năm 2023.

Số tiền dự toán thu từ sử dụng đất tăng thêm 400 tỷ đồng khi nền kinh tế vẫn bất ổn, thị trường bất động sản chưa thấy dấu hiệu gì khởi sắc, thực sự là một số giao quá lớn. Khá nhiều cơ quan quản lý dự đoán nguy cơ thu không đạt vì không biết hoặc chưa biết có địa chỉ nào để thu.

Cơ quan thuế cũng dự báo về độ khó khăn trong việc thu ngân sách từ sử dụng đất, nhưng hy vọng sẽ dựa vào kế hoạch tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai bằng hình thức điện tử đã được triển khai từ tháng 10/2023. Ngoài ra, sẽ tính toán từ việc thu được tiền từ các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất từ các năm trước và các dự án phát sinh.

Thực tế quá khó so với ước định. Cơ quan thuế thông báo, tính đến ngày 30/4/2024 đã thực hiện liên thông hồ sơ điện tử đất đai 18/18 huyện, thị, thành phố với gần 9.900 phiếu chuyển điện tử tiếp nhận từ cơ quan tài nguyên và môi trường và nợ từ các khoản thu từ đất đã giảm 104 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu ngân sách đến 31/5/2024 đã đạt 43,3% dự toán (hơn 8.694 tỷ đồng).

Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều đảm bảo tiến độ dự toán, nhưng thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 14,2% dự toán. Số dự án phát sinh chưa thu được bao nhiêu thì con số tiền sử dụng đất doanh nghiệp nợ cũng không thể thu được nên nguồn lực từ địa tô vẫn tiếp tục khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho hay các dự án khai thác quỹ đất chậm đấu giá quyền sử dụng đất. Bất động sản đóng băng. Các dự án không chuyển nhượng được.

Một số dự án đã được giao đất, cho thuê đất, nhưng chưa có quyết định phê duyệt giá đất... Nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất lớn, dẫn đến nguồn thu này không đảm bảo tiến độ dự toán.

“Tuy đã áp dụng đầy đủ, trình tự các biện pháp cưỡng chế nợ, nhưng Cục Thuế vẫn chưa thu hồi được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ. Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính. Một số dự án chưa được gia hạn tiến độ nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng...” - ông Tiếp nói.

3.jpg
Các dự án bất động sản nếu nhanh chóng được gỡ khó sẽ đóng góp vào ngân sách số thu lớn.

Dựa vào địa chỉ nào để thu?

Địa tô được xem là một trong những nguồn thu chủ lực của địa phương để bổ sung nguồn đầu tư phát triển. Các cơ quan tài chính dự tính mỗi năm số thu từ đất sẽ tăng từ 10 - 11%, tuy nhiên không dễ thực hiện.

Hệ thống tài chính địa phương vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra các giải pháp đốc thu từ các lĩnh vực này. Chưa kể, rất khó để kiểm tra, kiểm soát khi giá mua bán, chuyển nhượng trên thị trường đều ở dưới mức giá. Mọi giao dịch bất động sản chưa được đưa lên sàn giao dịch công khai, minh bạch.

Quảng Nam buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 vì thiếu hụt nguồn thu từ sử dụng đất. Con số 14.290 tỷ đồng thu từ đất sẽ rất khó để thực hiện khi dự báo hai năm còn lại sẽ còn nhiều khó khăn hơn.

Dự kiến năm 2024 & 2025 sẽ phải thu khoảng gần 5.400 tỷ mới có thể đạt dự toán. Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay sẽ dựa vào các khu đô thị để thu tiền sử dụng đất (khoảng 90%). Nhưng sẽ rất khó vì các dự án đô thị chậm, tín dụng bất động sản bị siết chặt, vướng luật chồng chéo, khó có thể tháo gỡ.

Thống kê của cơ quan thuế, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 30 dự án khu dân cư, khu đô thị còn nợ nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền hơn 1.860 tỷ đồng với 13 doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với số tiền lớn. Cơ quan thuế sẽ tìm mọi cách để đốc thu số nợ này vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, còn 31 quyết định giao đất, cho thuê đất do UBND tỉnh ban hành giao đất, cho thuê đất để các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư.

Tuy nhiên, cho đến nay, Sở TN-MT, Sở Tài chính (hội đồng thẩm định giá đất) và các cơ quan liên quan chưa tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất để Cục Thuế thực hiện ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước.

Theo phân tích của Cục Thuế, sẽ có thể thu ngân sách đến gần 1.840 tỷ đồng chỉ từ 4 dự án ngay trong năm 2024 như: khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 2 và 3 với 584 tỷ đồng); khu đô thị Smart City Quảng Nam (250 tỷ đồng); khu đô thị Cồn Tiến (581 tỷ đồng); khu đô thị Thanh Hà (đợt 2, với 423 tỷ đồng). Tuy nhiên, để thu được địa tô từ các dự án này và nhiều dự án khác, chỉ mình cơ quan thuế là không đủ lực, không dễ thực hiện.

Theo Cục Thuế, để có thể hoàn thành, vượt dự toán được giao năm 2024, cơ quan thuế đã đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có kế hoạch làm việc với chủ đầu tư từng dự án để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc.

Cụ thể, ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai và hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng để thực hiện các dự án tiếp theo.

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành nói, doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền, nhưng thu tiền mà không cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền và cơ quan quản lý đang tìm mọi cách đốc thu nguồn lực địa tô vào ngân sách nhà nước. Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Văn Tiếp cho biết, sẽ tiến hành phân nhóm dự án để áp dụng linh hoạt các giải pháp, nhất là các dự án đã bồi thường, giải phóng xong mặt bằng, xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng, cần sớm cho gia hạn tiến độ thực hiện dự án. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng để có điều kiện nộp thuế.

Ngoài ra, cấp trên cần chỉ đạo các sở, ngành xử lý kịp thời số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các chủ đầu tư đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính nhằm vừa thanh toán vào ngân sách nhà nước kịp thời, vừa để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam tìm cách đốc thu tiền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO