Theo thống kê của Sở Công Thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 đạt 4.128 tỷ đồng, giảm 1,5% so với tháng trước. Đâu là giải pháp để kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa?
Đảm bảo chất lượng hàng hóa
Thành lập từ tháng 8/2023, HTX Nông nghiệp & dịch vụ Bình Nguyên (HTX Bình Nguyên) tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kẹo mè đen nguyên chất, bột mè đen sạch và hạt mè đen sạch đóng gói.
Đây là cách HTX Bình Nguyên tận dụng nguồn nguyên liệu mè đen sạch, đặc biệt thơm ngon được nông dân xã Bình Nguyên (Thăng Bình) sản xuất trên đất cát pha với quy trình kỹ thuật riêng và chỉ dùng phân hữu cơ.
Với mặt hàng chủ lực kẹo mè đen nguyên chất, mỗi tháng, HTX Bình Nguyên cung ứng ra thị trường 300kg với giá 250 nghìn đồng/kg cho sản phẩm thông thường và 270 nghìn đồng/kg cho kẹo ăn kiêng.
Chị Nguyễn Thị Tường Vi - Giám đốc HTX Bình Nguyên cho biết, đơn vị đã tận dụng hầu hết các kênh bán hàng, từ thương mại điện tử, bán lẻ ở các quầy hàng cho đến bán sỉ cho tư thương, các đầu mối kinh doanh bánh kẹo lớn nhưng doanh thu chưa đạt như kỳ vọng.
Hiện nay, HTX Bình Nguyên liên kết với 20 hộ dân ở thôn Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên) để sản xuất nguyên liệu mè đen trên phạm vi 5ha. Người dân canh tác theo quy trình trồng mè đen hữu cơ sẽ được thu mua với giá ưu đãi hơn mặt bằng thị trường.
“Cả 3 sản phẩm chế biến từ mè đen nguyên chất của chúng tôi là sản phẩm Organic (hữu cơ) có lợi cho người tiêu dùng. Tôi chế biến các sản phẩm đạt chất lượng tốt, đảm bảo các quy tắc an toàn thực phẩm để được thị trường đón nhận.
Mong mỏi của HTX Bình Nguyên là thị trường được khơi thông. Chúng tôi đã quyết định tăng quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm mè đen lên gấp 3 lần” - chị Vi nói.
Quan sát của chúng tôi ở chợ Tam Kỳ, các mặt hàng dân dụng thiết yếu, hải sản, trái cây, các sản phẩm làm đẹp rơi vào ế ẩm, ít người mua.
Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, lượng hàng hóa ở chợ bán ra hiện nay chỉ bằng 50 - 60% cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là thương mại ở chợ giảm sút mạnh so với thương mại điện tử giao hàng tận nhà. Mặt khác, kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
“Để tăng sức bán ở chợ, chúng tôi vận động các tiểu thương xây dựng văn minh tiêu dùng, văn hóa bán hàng, tạo sự thân mật, gần gũi với người mua.
Nhờ tuyên truyền, đến nay hầu hết hàng hóa đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, từng bước truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Hàng hóa cũng được bán với giá phải chăng. Các tiểu thương cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để kích thích sức mua sắm” - bà Nga nói.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh đứng vững trong khó khăn mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm “made in Quảng Nam”, hàng hóa OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là cách để tạo lợi thế cạnh tranh của hàng Việt với các mặt hàng nhập khẩu chất lượng được bán với giá rẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Theo Sở Công Thương, trợ giúp của ngành chức năng là đơn giản, giảm nhẹ những thủ tục hành chính để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các chuỗi bán lẻ giao thương thuận lợi hơn.
Quảng Nam cần sớm thiết lập, liên kết chặt chẽ hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch công khai, minh bạch hơn trên thị trường, nhất là truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Để khơi thông thương mại nội địa, một giải pháp được ngành chức năng chú trọng triển khai là kiểm soát, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam nói, trên địa bàn tỉnh rất hiếm có trường hợp đẩy giá cao vô lý trên thị trường bán lẻ bởi các đội quản lý thị trường ở các huyện, thị xã, thành phố đã chấn chỉnh kịp thời. Quảng Nam hiện nay có mặt bằng giá bán lẻ hợp lý, sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa.
“Ngành quản lý thị trường tiếp tục kiểm soát chống hàng lậu, hàng giả, trốn thuế, làm ăn phi pháp, lợi dụng đầu cơ tích trữ tăng giá kiếm lời bất chính. Chúng tôi vận động các nhà bán lẻ, doanh nghiệp kinh doanh khi áp dụng khuyến mại phải trung thực, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu, phục vụ tốt tiêu dùng của người dân” - ông Tịnh nói.
Theo ngành chức năng, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tiểu thương bán hàng trực tiếp, bán hàng qua thương mại điện tử đều cần xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nhất là liên kết, hợp tác, kết nối giao thương, đáp ứng cung cầu hàng hóa tốt hơn.