Thủy sản

Quảng Nam: Tôm nuôi chết hàng loạt

VIỆT NGUYỄN 22/03/2024 09:15

Vụ 1 nuôi tôm nước lợ Quảng Nam vừa diễn ra đã gặp phải dịch bệnh, tôm nuôi chết hàng loạt; ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân chú trọng phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại.

tom-2.jpg
Tôm nuôi chết hàng loạt, hộ nuôi tôm chưa đầu tư trở lại. Ảnh: Q.VIỆT

Dịch bệnh trên diện rộng

Ở vụ 1 này, người dân xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) thả nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 75ha thì đến nay đã có 50ha bị nhiễm dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt.

Ông Trần Văn Biểu (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, nuôi tôm thẻ chân trắng ở 3 ao có diện tích 1.200m2) cho biết: “Những ngày qua tôm chết đỏ ao. Tôi không biết tôm chết do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy hay chết do thiếu đề kháng khi thời tiết diễn biến xấu”.

Ở thôn Kim Đới, nhiều ao nuôi tôm nước đục ngầu, rác bẩn và bốc mùi hôi thối. Một số ao được người dân cải tạo lại, bơm nước và chờ thả tôm giống vào thời điểm thích hợp.

Ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Thăng, cho biết: “Cứ đến hẹn lại lên, vào vụ nuôi tôm mới, người dân thả giống nuôi chưa lâu thì dịch bệnh bùng phát.

Mong mỏi lớn nhất của người nuôi tôm trên địa bàn xã là được Nhà nước quy hoạch các khu nuôi tôm tập trung an toàn dịch bệnh, đầu tư lại hạ tầng với thủy lợi, đường đi, điện và khuyến khích, hỗ trợ nuôi tôm VietGAP”.

Ông Ngô Lê Hoàng Vũ - cán bộ phụ trách thủy sản UBND xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, người nuôi tôm trên địa bàn đang lo lắng vì thời tiết luôn chuyển biến xấu, tôm nuôi khó thích ứng. Đến nay, trên địa bàn đã có hơn 16ha tôm nuôi bị chết do dịch bệnh.

Theo ông Vũ, người nuôi tôm không có đủ khả năng để tích tụ, tập trung ruộng đất, đầu tư nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do nuôi tôm quảng canh, không có ao chứa nước lắng, tôm giống không được kiểm dịch nên dịch bệnh tràn lan.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, vụ 1 nuôi tôm nước lợ đến nay đã có 5ha tôm chết do bệnh đốm trắng. Mới nhất là ao nuôi của ông Đặng Công Cúc (thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh) và Dương Bé (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu) bị nhiễm bệnh.

Chú trọng phòng bệnh

Theo nhận định của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi dễ tiếp tục xảy ra và có nguy cơ lây lan giữa các ao nuôi, các vùng nuôi.

tom.jpg
Một hộ dân ở thôn Kim Đới cải tạo lại ao nuôi tôm để tái sản xuất. Ảnh: Q.VIỆT

Các yếu tố tác động xấu đến nuôi tôm hiện nay là thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho tôm nuôi; độ pH, độ mặn ở các vùng nuôi tôm không an toàn; yếu tố gây bệnh còn tồn tại, tồn lưu ở các vùng nuôi tôm.

Ông Trần Quảng Nam - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) khuyến cáo người nuôi tôm cần sử dụng con giống sạch bệnh hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm.

Tiếp cận các biện pháp an toàn sinh học, chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho tôm và tạo môi trường thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Tôm sống trong môi trường nước nên chuyện phòng bệnh không giống gia súc trên cạn, lại không có vắc xin để chủ động phòng. Vấn đề phòng bệnh trên tôm cần đặt lên hàng đầu, phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi đã diễn ra.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản sẽ tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, chủ động ứng phó với các bệnh nguy hiểm trên tôm và có giải pháp lâu dài để giảm rủi ro cho nghề nuôi tôm.

Khuyến khích nuôi tôm quy mô lớn, bảo vệ môi trường

Hiện nay, nuôi tôm trên cát thành công với các mô hình tuần hoàn nước, nuôi tôm khép kín, nuôi tôm Semi Biofloc, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Điểm chung của các mô hình này là nuôi tôm chỉ sử dụng các men vi sinh để phân hủy chất hữu cơ, hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, chính quyền luôn vận động doanh nghiệp cùng với người dân hợp tác đầu tư hệ thống hạ tầng, xây dựng vùng nuôi tôm quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cao, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trên cơ sở này, quản lý nuôi tôm, thu hoạch, chế biến cũng được chú trọng hơn nhằm nâng cao giá trị con tôm, tăng lợi nhuận thu được.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam: Tôm nuôi chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO