(Xuân Canh Tý) - Theo nhiều nguồn Việt sử, danh xưng Quảng Nam (廣南) được khai sinh vào năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) cho lập Quảng Nam thừa tuyên trên vùng đất trải dài từ phía nam núi Hải Vân đến phía bắc núi Cù Mông, vốn là đất cũ của Chiêm Thành.
Thừa tuyên Quảng Nam là đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt thời hậu Lê, bao gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (tương ứng với các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định hiện nay).
Trước đó, vào năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã hạ lệnh cho 12 thừa tuyên của Đại Việt lúc bấy giờ vẽ bản đồ dâng lên cho bộ Hộ. Sau khi hoàn tất, vua Lê Thánh Tông cho ban hành Hồng Đức bản đồ (洪德版圖) vào năm 1490. Đây là bộ bản đồ địa lý đầu tiên do nhà nước phong kiến vẽ, thể hiện cương giới và hệ thống hành chính của Đại Việt vào cuối thế kỷ XV.
Hồng Đức bản đồ
Hồng Đức bản đồ tập hợp 15 bản đồ, gồm: An Nam quốc đồ (安南國圖) vẽ toàn cõi nước ta thời vua Lê Thánh Tông trị vì; 1 bản đồ vẽ Kinh thành Thăng Long rất chi tiết, và 13 bản đồ vẽ 13 thừa tuyên của Đại Việt lúc đó là: Trung Đô phủ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, An Bang, Hải Dương, Sơn Nam, Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam.
Như vậy, Quảng Nam là thừa tuyên được bổ sung vào Hồng Đức bản đồ so với thời điểm vua Lê Thánh Tông ban hành lệnh vẽ bản đồ vào năm 1467.
Tuy nhiên, bản gốc của Hồng Đức bản đồ nay đã thất truyền, chỉ còn khoảng 10 bản sao của bộ bản đồ này, có niên đại chủ yếu vào thời Nguyễn, đang được lưu giữ tại một số thư viện và văn khố ở trong và ngoài nước.
Tháng 7.2013, trong hành trình sưu tầm bản đồ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở nước ngoài, tôi đã tìm đến Đông Dương văn khố tại Tokyo (Nhật Bản) và đã tiếp cận một trong những bản sao sớm nhất của Hồng Đức bản đồ đang lưu trữ ở đây.
Phần sau của tập Hồng Đức bản đồ ở Đông Dương văn khố còn có hai tập bản đồ khác được đóng kèm vào tập bản đồ này là tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (天南四至 路圖書) do Đỗ Bá vẽ vào năm 1686, và tập bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (甲午年平南圖) do Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vẽ vào năm 1774.
Đáng chú ý là ở các trang 43b - 44a của Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư có tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam, ghi tên các địa danh: Diên Khánh huyện, Hòa Vang huyện, Hà Đông huyện, Duy Xuyên huyện, Lễ Dương huyện, Hội An phố, Hội An kiều (với hình vẽ Chùa Cầu ở Hội An), Đà Nẵng hải môn, Đại Chiêm hải môn,… cùng với hình thế phủ Quảng Ngãi và vùng biển ngoài khơi phủ này.
Phía trên tờ bản đồ này có chú dẫn bằng chữ Hán, trong đó có đoạn viết: “… Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; có gió đông bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải một ngày rưỡi…” (NV - dịch nghĩa).
Năm 2015, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội có công bố một bản sao khác của tờ bản đồ này, đang lưu trữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Paris, trên đó có ghi hai chữ 廣南 (Quảng Nam) bằng mực đỏ (bản đồ 1). Theo khảo cứu cá nhân, tờ bản đồ nói trên trong tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư là tờ bản đồ có niên đại sớm nhất (hiện còn lưu giữ được) có miêu tả và ghi chú những địa danh của vùng đất Quảng Nam.
Và trên các bản đồ cổ khác
Tiếp tục sưu tầm và khảo cứu những bản đồ cổ từ thời Lê đến thời Nguyễn, tôi bắt gặp một số bản đồ khác có miêu tả và ghi chú các địa danh ở Quảng Nam như tờ bản đồ ở các trang 56 - 57 trong tập Thiên hạ bản đồ, soạn vẽ vào cuối thế kỷ XVIII, đã được các sử quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn sao lục vào thế kỷ XIX, hiện đang lưu trữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Paris (bản đồ 2). Trên bản đồ này không chỉ miêu tả các địa danh thuộc Thừa tuyên Quảng Nam, mà còn có cả hình vẽ một hòn đảo ở ngoài khơi xứ này, ghi tên bằng chữ Nôm 𡓁吉鐄 (Bãi Cát Vàng). Đó chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, bộ bản đồ cổ quan trọng nhất vẽ về vùng đất Quảng Nam xưa chính là 3 bản đồ có tên Quảng Nam tam phủ cửu huyện trong tập Thiên tải nhàn đàm do sử thần Đàm Thận Hữu soạn vẽ vào năm Gia Long thứ 9 (1810). 3 bản đồ này đã vẽ và miêu tả những địa danh, núi sông, cửa biển và sử tích quan trọng của vùng đất Quảng Nam vào đầu thời Nguyễn.
Đặc biệt trên cả 3 bản đồ này, đều có hình vẽ ước lệ về quần đảo Hoàng Sa, với các chú thích bằng chữ Nôm: 沙金堆俗号𣺽吉鐄 (Sa kim đồi tục hiệu Bãi Cát Vàng, nghĩa là: cồn cát vàng tục gọi là Bãi Cát Vàng) (bản đồ 3); 葛鐄處 (Cát Vàng xứ) (bản đồ 4) và 𣺽葛鐄 (Bãi Cát Vàng) (bản đồ 5). Cả 3 bản đồ này đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội.
Như vậy là sau khi sáp nhập nước ta vào nửa sau thế kỷ XV, Quảng Nam đã trở thành vùng đất phên dậu của Đại Việt vào thời Lê, là trọng địa kinh tế - đối ngoại của Đàng Trong vào thời chúa Nguyễn và là vùng đất quan yếu của nước Đại Nam thời vương triều Nguyễn.
Từ địa bàn này, các vương triều phong kiến Việt Nam đã tiếp tục hành trình mở cõi về phương Nam, khai chiếm và xác lập chủ quyền đối với các vùng biển đảo ở phía Đông. Từ đó định hình nên lãnh thổ Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay. Đó cũng là lý do tại sao tên gọi Bãi Cát Vàng/Hoàng Sa luôn xuất hiện trên các bản đồ cổ vẽ về Quảng Nam từ hàng trăm năm trước.