Quảng Nam trong thư tịch cổ ở Nhật

HƯƠNG THU 10/04/2016 09:23

Trong thư tịch cổ ở Nhật, Quảng Nam xưa hiện lên một cách vô cùng gần gũi với người Nhật thời cận thế. Tại Hội thảo Quốc tế “Quan hệ Việt - Nhật thời cận thế (thế kỷ XVI - XIX)”, rất nhiều tài liệu được đưa ra đã minh chứng cho điều này.

Bức thư cổ dưới thời vua Lê Thế Tông gửi đến Nhật Bản.        Ảnh: Phòng VHTT TP Hội An cung cấp.
Bức thư cổ dưới thời vua Lê Thế Tông gửi đến Nhật Bản. Ảnh: Phòng VHTT TP Hội An cung cấp.

Phần lớn các tham luận tại Hội thảo “Quan hệ Việt - Nhật thời cận thế (thế kỷ XVI - XIX)” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation), diễn ra hồi cuối tháng 3, đều ít nhiều có liên quan đến vùng đất Quảng Nam: Nhật Bản và Việt Nam trong thời cận đại của châu Á (Kikuchi Seiichi (ĐH Nữ Showa), Quan hệ thương mại giữa Đại Việt và Nhật Bản - trường hợp cảng thị Hội An thế kỷ XVI - XVII (Nguyễn Văn Hoàn, ĐH Đà Nẵng), Vai trò của chính quyền chúa Nguyễn và Mạc Phủ Tokugawa trong quan hệ thương mại giữa Đàng Trong và Nhật Bản thời kỳ 1601 - 1635 (Dương Thế Hiền), Thương nghiệp Nhật Bản với chợ Quảng Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII (Lê Quang Cần), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ XVI - XVII nhìn từ hôn nhân Nhật - Việt (Nguyễn Thu Hương, ĐHQG TP.HCM), Dấu tích người Nhật trong văn bia Quảng Nam (Nguyễn Hoàng Thân, ĐH Đà Nẵng), Về hai bức thư do Thụy Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên gửi Kato Kiyomasa (Võ Vinh Quang, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế), Nam biều ký - tập tư liệu quý hiếm và giá trị về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII (Nguyễn Mạnh Sơn)…

Ngoài những tư liệu về mối quan hệ Việt - Nhật tại Hội An hay Quảng Nam được công bố trong các hội thảo và các công trình trước đây (một ví dụ như bức tranh hình ảnh Dinh trấn Thanh Chiêm, khu phố người Nhật ở Hội An), thì hội thảo lần này cũng cung cấp thêm nhiều tư liệu mới từ những thư tịch cổ của Nhật được lưu trữ trong các thư viện lớn tại Nhật Bản.

Báo cáo của GS. Kikuchi Seiichi đã nhắc đến số lượng khoảng 100 tờ/trang tư liệu An Nam quốc thư về các văn bản của An Nam gửi cho chính quyền Nhật đương thời, trong đó có một số bức thư của chúa Nguyễn đang là Trấn thủ Quảng Nam nhằm muốn Nhật mở rộng bang giao và trao đổi thương mại tại vùng này. Kết quả nghiên cứu này bổ túc cho ý kiến của học giả người Quảng Nam là Sở Cuồng Lê Dư trong công trình “Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo” công bố năm 1921. Thông tin khoa học đó cũng được làm sáng rõ hơn trong tham luận của tác giả Võ Vinh Quang. Bức thư năm 1609 của Trấn thủ Quảng Nam có đoạn: “Quý ngài nếu cũng mến tình thân ái như ta, sang năm lại cho Ngô Binh Vệ chỉnh lý tu sửa lại thương thuyền, thẳng hướng nước ta để đi xuống [buôn bán]. Được như vậy tất lợi ích thông cả hai nước, tình cảm tốt lành mãi đến ngàn năm”. Còn bức thư năm 1610 viết: “Nay có chủ thuyền Lâm Hữu của quý quốc vốn nhận được châu ấn trạng đến buôn bán ở nước Xiêm La, song thuyền buồm chẳng tới được xứ sở đó mà bỗng đến lãnh địa nước ta (…) yết kiến ta. Ta nghe rằng vương quốc Xiêm La đang ở kỳ tao loạn, chẳng nhẫn tâm để chủ thuyền [Lâm Hữu] đến nước ấy, bèn thực lòng [cho Lâm Hữu] lưu lại [nước ta] tiến hành mua bán. Ta lấy tâm tình chân thành mà tiếp đãi”.

Nhiều học giả lần lượt nhắc đến những tài liệu thể loại ký về việc phiêu dạt của người Nhật đương thời đến vùng đất Đàng Trong mà chủ yếu là ở Hội An như An Nam kỷ lược cảo, Nam phiêu An Nam ký sự, Nam phiêu ký, Nam biều ký... Một số văn bản này cũng đã được TS. Trần Đức Anh Sơn đề cập trong thời gian gần đây. Tác giả Nguyễn Mạnh Sơn dẫn bài Hình ảnh về Việt Nam của người Nhật thời Edo của nhà nghiên cứu Shimao Minoru: “Vào thế kỷ XVIII, người Nhật bị cấm không được đi ra nước ngoài và phố Nhật ở Hội An cũng chấm dứt hoạt động. Trong thời kỳ này có ba trường hợp người Nhật đi biển gặp bão nên bị phiêu bạt đến Việt Nam. Hai trường hợp đầu là hai chiếc thuyền Himemiya Maru và Sumiyoshi Maru, xuất phát cùng lúc và cùng một vùng biển ở Nhật Bản đã bị sóng gió làm trôi dạt đến vùng biển Hội An. Thuyền trưởng thuyền Himemiya Maru là Saheita và các thuyền viên đều là người vùng Isohara, quận Taga, phiên Hitachi-no-kuni (tỉnh Ibaraki hiện nay). Tháng 11 (âm lịch) năm 1765, thuyền này chở gạo từ Onahama (Fukushima hiện nay) đến Choshi (Chiba hiện nay) gặp mưa bão nên đã bị trôi trên biển 43 ngày và dạt đến vùng biển Hội An. Sau khi ở lại Hội An khoảng một năm rưỡi, ngày 20 tháng 6 (âm lịch) năm 1767 họ trở về Nhật Bản, ngày 16 tháng 7 mới về đến Nagasaki. Thuyền trưởng thuyền Sumiyoshi Maru là Zenshiro và các thuyền viên là người vùng Onaham, phiên Oushu (Fukushima hiện nay). Tàu này cũng chở gạo từ Onahama đến Choshi và bị bão làm phiêu dạt vào miền Trung Việt Nam. Thủy thủ của hai thuyền này gặp nhau tại Hội An, cùng ở lại nơi này và trở về Nagasaki cùng một thời điểm”. Những người này sau khi về nước đã bị điều tra viên của cơ quan hành chính Nagasaki, học giả địa lý Nagkubo Sekisui từ phiên Mito, hỏi thông tin. Họ kể về Hội An: “Có khoảng 150 - 160 nhà và 3 ngôi chùa. Có tấm bảng “Hải quốc tôn thân”, một ngôi chùa khác viết là “Phối Đức Kim Sơn tự”, một chùa khác là chùa Dược Sư có tượng Quan Vũ”. Những tư liệu cổ nêu trên còn ghi chép lại nhiều thông tin khác của hoạt động đời sống xã hội cũng như tự nhiên phong thổ của vùng đất Quảng Nam xưa.

Đặc biệt, thư tịch cổ Nhật cũng ghi chép cư dân Quảng Nam đặt chân đến Nhật Bản. Theo TS. Huỳnh Trọng Hiền, tác phẩm Kanhou Niki đã ghi lại sự việc 5 người dân của Phủ Hội An bị trôi dạt đến Yakushima vào ngày 13 tháng 8 năm Bunka thứ 12 (1815). Những người này lập tức được dẫn về Nagasaki. Ban đầu, người thông dịch tiếng Hoa thuộc chính quyền sở tại đã hỏi thông tin nhưng không thành công vì khác ngôn ngữ. Sau đó, Saikonshi, người từng có kinh nghiệm đi biển An Nam, đến làm phiên dịch thì mới “giao lưu” được.

GS. Yajima Michifumi, rút từ An Nam kỷ lược cảo, cung cấp thông tin khoa học về chi tiết voi Quảng Nam đã được đưa đến Nhật Bản vào năm 1728 do tướng quân Tokugawa Yoshimune đặt mua.

Quan hệ Việt - Nhật đã trải qua hơn 400 năm nay. Hình ảnh Quảng Nam xưa cũng rất gần gũi với người Nhật thời cận thế, và lưu dấu trong nhiều thư tịch cổ của Nhật Bản. Nguồn thư tịch này hiện nay hầu như chưa được dịch sang Việt ngữ và công bố, nên nhiệm vụ trước mắt của các nhà khoa học sẽ phải thực công việc này càng sớm càng tốt như kiến nghị của GS. Kikuchi Seiichi. Hy vọng khi ấy, hình ảnh Quảng Nam xưa sẽ được nhận diện rõ hơn, để hiểu hơn vì sao vùng đất Quảng Nam lại sớm có sự giao lưu quốc tế và được xưng gọi “nước Quảng Nam”.

HƯƠNG THU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam trong thư tịch cổ ở Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO