Kinh tế

Quảng Nam trước thách thức tăng trưởng kinh tế 2 con số

TRỊNH DŨNG 19/12/2024 07:42

Quảng Nam xác định tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 từ 9,5 - 10%. Mục tiêu này được cho là sẽ gặp nhiều thách thức khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn.

Những doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng lực công nghệ hóa theo hướng tăng trưởng xanh như Thaco không nhiều.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 nhờ vào sự đóng góp rất lớn của Trường Hải

Phục hồi tăng trưởng

Thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh về tình hình kinh tế năm 2024 ghi nhận các hoạt động xây dựng còn khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiếu đất san lấp, giá vật liệu xây dựng, chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều dự án kinh doanh bất động sản đứng bánh, giải ngân vốn đầu tư công thấp (chỉ khoảng 58% tính đến ngày 29/11/2024).

Lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (1.472/1.008 doanh nghiệp). Doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi, vẫn phải đối mặt với áp lực thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất gia tăng.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói áp lực cạnh tranh gia tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì hoạt động, cùng hàng loạt sức ép khác của nền kinh tế... đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương.

Tăng trưởng tổng nội địa (GRDP) của Quảng Nam năm 2024 ước đạt 7,1%, chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo các phân tích, sản xuất nông nghiệp thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh, kinh tế hồi phục, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá tốt...

Hai khu vực đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế địa phương là công nghiệp - xây dựng, du lịch, dịch vụ có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp ước tăng 13,5% (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,5%).

TANG TRUONG KINH TE (5)
Du lịch phát triển là một trong những điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: T.D

Thị trường xuất khẩu đang dần ổn định. Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng cũng được ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023 (tăng 7%, xây dựng dân dụng tăng 35%). Thị trường khách quốc tế phục hồi đã thúc đẩy sự gia tăng doanh thu từ các ngành dịch vụ du lịch, đưa khu vực dịch vụ tăng đến 5,8%.

Một điều đáng chú ý là thu ngân sách vượt dự toán. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,4% nhờ tăng trưởng mạnh của việc thu thuế từ ô tô du lịch, thủy điện, Nam Hội An...

Quy mô nền kinh tế Quảng Nam ước đạt hơn 129 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5 nghìn tỷ đồng (tăng 10,5%). GRDP đầu người hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so năm 2023.

Cơ cấu GRDP năm 2024 chuyển biến theo hướng tích cực khi khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 13,84%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33,51%, dịch vụ chiếm 34,74%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,91%.

Dựa trên các phân tích, cơ quan quản lý khẳng định một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng trở lại. Xu hướng cải thiện là điều chắc chắn sẽ diễn ra khi nền kinh tế hồi phục.

Nỗ lực hành động

Kế hoạch năm 2025, GRDP Quảng Nam sẽ tăng khoảng 9,5 - 10%, tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm hơn 32% và thu ngân sách phải đạt 25.000 tỷ đồng.

TANG TRUONG KINH TE (3)
Tăng trưởng kinh tế năm 2025 vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào Trường Hải, từ xuất nhập khẩu đến sản xuất, kinh doanh ô tô

Theo các cơ quan chuyên môn, rất khó định lường được tăng trưởng sẽ diễn ra và đạt đến con số cụ thể khi phụ thuộc vào biến động thị trường.

Không thể biết liệu sẽ có thêm nhiều chính sách được áp dụng, như gia hạn thuế và nhất là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã từng “giải cứu” cho thu ngân sách và tăng trưởng của nền kinh tế địa phương như năm 2024. Tuy nhiên, một khi đã đặt ra mục tiêu thì phải nỗ lực tăng cường trách nhiệm để đạt đến mức tối đa các kế hoạch phát triển, tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Ông Lê Nho Hùng - Cục phó Cục Thống kê Quảng Nam cho hay, tăng trưởng kinh tế địa phương phụ thuộc rất lớn vào giá trị đầu tư, tăng trưởng của hai trụ cột chính là công nghiệp và du lịch, nhất là các doanh nghiệp lớn như Trường Hải hay các doanh nghiệp khác.

Nếu như Trung ương, địa phương khai thông được các nguồn lực, doanh nghiệp phục hồi mạnh, gia tăng sản xuất, đầu tư thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có cơ hội hoàn thành.

Dư địa tăng trưởng kinh tế địa phương vẫn còn rất lớn. Khá nhiều điểm tựa, động lực mang đến tăng trưởng. Có cơ sở để kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng khi tổng cầu của nền kinh tế có nhiều yếu tố tích cực về xuất nhập khẩu, tăng trưởng ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Du lịch gia tăng lượng khách quốc tế, sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội đảm bảo...

Theo các phân tích, ngoài sự ổn định, có đủ năng lực mở rộng đầu tư như ô tô, linh kiện điện tử, may mặc, giày da thì hơn 1.465 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường (vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng) và 39 dự án đầu tư (29 dự án nội địa và 10 dự án FDI với vốn đăng ký đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng) của năm 2024 sẽ là một trong những tác nhân đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2025.

TANG TRUONG KINH TE (4)
Tháo gỡ điểm nghẽn cho các dự án bất động sản sẽ là một trong điểm nhấn quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: T.D

Đầu tư công được xem là động năng tăng trưởng chính, dẫn dắt thu hút tối đa các nguồn lực khác nhau. Tổng vốn đầu tư công năm 2025 khoảng 9.000 tỷ đồng.

Chỉ cần tháo gỡ giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, thủ tục dự án..., giải ngân hết vốn cho các công trình, dự án thì có thể thúc đầy tăng trưởng mạnh. Nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ của địa phương sẽ giúp khai thông nguồn vốn ngân sách, thu hút đầu tư xã hội...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Quảng Nam sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xử lý vướng mắc các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tạo đột phá thu hút các nguồn lực từ khu vực nhà nước, FDI, tạo quỹ đất sạch, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng thu hút, đón nhận các nhà đầu tư chiến lược...

Sẽ cơ cấu kinh tế phù hợp phân bổ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh nền kinh tế. Tất cả yếu tố nêu trên sẽ được đặt lên hàng đầu.

“Không ít nhà đầu tư lớn mong muốn đầu tư vào địa phương. Tháo gỡ được rào cản, nút thắt đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế sẽ hanh thông. Chính quyền, cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến địa phương sẽ phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp, quyết tâm mạnh mẽ hơn để định vị tăng trưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam trước thách thức tăng trưởng kinh tế 2 con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO