Sau 10 năm triển khai thực hiện đổi mới “căn bản, toàn diện” GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 (ngày 4/11/2013) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dấu ấn Quảng Nam để lại khá đậm nét.
Phát triển toàn diện học trò
Từ thực tiễn dạy và học tại đơn vị mình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Thăng Bình) - thầy Phan Quang Trung cho rằng qua thực hiện chương trình GDPT mới 2018 ở các khối lớp tiểu học cho thấy, chương trình tập trung phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS) thông qua các hoạt động dạy và học.
Nội dung sách giáo khoa chương trình mới đảm bảo tính linh hoạt, có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng HS tại địa phương.
Vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản GD-ĐT là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Thầy Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) chia sẻ, phương pháp dạy học tích cực đã được triển khai thực hiện, giáo viên chuyển từ vai trò là người truyền thụ kiến thức sang vai trò tổ chức, hướng dẫn, định hướng để HS nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, chủ động chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động học. Các em đã thích ứng nhanh với phương pháp dạy học này và kết quả học tập đạt được rất tích cực.
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, trong đổi mới “căn bản, toàn diện” theo tinh thần Nghị quyết 29, việc thực hiện chương trình GDPT 2018 rất quan trọng.
Các văn bản chỉ đạo của tỉnh đầy đủ, kịp thời để toàn ngành và các địa phương triển khai thực hiện, từ việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đến giảng dạy theo chương trình mới.
Đến nay, việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh được đánh giá là thuận lợi, chất lượng, mang lại cảm hứng cho người dạy lẫn người học. Cách kiểm tra, đánh giá năng lực của HS cũng được thay đổi, trở thành một trong những làn gió mới trong dạy học của Quảng Nam.
“Vào đầu mỗi năm học, ngành tổ chức hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp cho công tác thi, đặc biệt là công tác tuyển sinh đầu cấp. Những năm qua, tuyển sinh lớp 10 công lập bằng phương thức xét tuyển.
Tuy nhiên, ngành vừa hoàn thiện phương án chuyển sang phương thức thi tuyển cho tuyển sinh năm học 2024 - 2025 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Tường nói.
Tuyển sinh vào các trường chuyên biệt những năm qua cũng có một số thay đổi cho phù hợp với thực tế. Sau nhiều năm xét tuyển vào lớp 10 Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT tỉnh, 3 năm qua đã chuyển sang phương thức thi tuyển 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT - THPT tỉnh - thầy Lê Đức Sơn thừa nhận, tuyển sinh theo phương án thi tuyển giúp nâng cao chất lượng đầu vào, từ đó tạo điều kiện cho nhà trường nâng cao chất lượng đầu ra, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho miền núi, vùng dân tộc.
Trong khi đó, tuyển sinh vào 2 trường THPT chuyên cũng có một số điều chỉnh như HS được đăng ký dự thi 2 môn chuyên hay gần nhất là tuyển sinh lớp Sử, Địa riêng tạo cơ hội nhiều hơn cho các em có học lực giỏi được trúng tuyển vào trường.
Thay đổi từ người thầy
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được xem là yếu tố then chốt trong việc thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 29. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ thời gian qua được Quảng Nam chú trọng với cách làm mới, sáng tạo.
Liên tục từ năm 2017 đến nay, các kỳ thi tuyển viên chức giáo dục được tổ chức, qua đó tuyển dụng được gần 4.600 giáo viên, nhân viên có chất lượng. Đáng chú ý, cách phân công công tác được tổ chức công khai, minh bạch, công bằng, thay vì địa phương (đối với mầm non, tiểu học, THCS) hay Sở GD-ĐT (đối với THPT) phân công công tác thì chính giáo viên được quyền lựa chọn đơn vị công tác căn cứ vào kết quả thi tuyển của mình (điểm cao chọn trước, điểm thấp chọn sau).
Cạnh đó, với mục tiêu thu hút người tài, từ năm 2020 đến nay đã 4 lần tổ chức xét tuyển theo Nghị định 140. Kết quả, đã tuyển dụng được 36 giáo viên THPT là những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường đại học để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành giáo dục.
Theo ông Thái Viết Tường, muốn thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ chính người thầy. Mỗi thầy cô giáo phải thay đổi, từ suy nghĩ đến hành động thể hiện qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Theo đánh giá, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giờ đây đã có sự đổi mới tự thân trong thực thi nhiệm vụ. Việc xây dựng kế hoạch bài dạy theo chuỗi hoạt động học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động của HS, góp phần nâng cao chất lượng. Năm 2023, Quảng Nam tiếp tục dẫn đầu các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xếp thứ 22/68 cả nước về kết quả kỳ thi HS giỏi quốc gia.
Qua 10 năm thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 29, trong đó với cách làm sáng tạo của riêng mình, Quảng Nam đã có được những kết quả tích cực, tạo luồng sinh khí mới trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng.
Năm 2012, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết 12 (28/12/2012) về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh đến năm 2020. Những mục tiêu, giải pháp trong nghị quyết đã phần nào thể hiện quan điểm đổi mới “căn bản, toàn diện” GD-ĐT của tỉnh.
Chẳng hạn, nâng cao chất lượng đại trà đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, bồi dưỡng HS, sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục…
Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, Quảng Nam đã chủ động. Chương trình hành động số 28 (ngày 25/4/2014), Nghị quyết 11 (25/4/2017) của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm tình hình của địa phương, còn có điểm mới đáng chú ý đó là Quảng Nam đưa ra thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục miền núi.