Quảng Nam vị thế và khát vọng

PHAN VIỆT CƯỜNG (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) 18/06/2022 06:40

Khát vọng phấn đấu vươn lên từ chính bản lĩnh, ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết đồng lòng của con người xứ Quảng, hơn 25 năm sau ngày tái lập tỉnh (1.1.1997), Quảng Nam tạo được kỳ tích với những thành tựu toàn diện, vượt bậc trên mọi lĩnh vực; tạo nền tảng và tiền đề quan trọng để đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng.

Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bức tranh toàn cảnh của quê hương Quảng Nam sau hơn 25 năm qua nổi bật lên rất nhiều gam màu tươi sáng. Và chính những mảng màu tươi sáng ấy, đã tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một Quảng Nam tự lập, chủ động, sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động.

Những dấu ấn nổi bật

Dấu ấn nổi bật đầu tiên phải kể đến là sự bứt phá ngoạn mục về thu ngân sách. Từ số thu 120 tỷ đồng năm 1996, đến năm 2021 vừa qua, tổng thu ngân sách của tỉnh đã lên đến 23.772 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa đạt 19.563 tỷ đồng), gấp gần 200 lần so với thời điểm tái lập tỉnh.

Từ một địa phương phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến năm 2017 Quảng Nam đã tự cân đối được thu chi ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Quy mô nền kinh tế toàn tỉnh vượt 100 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với năm 1997, xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 68 triệu đồng, gấp gần 38 lần so với năm 1997.

Giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn dưới 14% trong cơ cấu GRDP. Công nghiệp bứt tốc mạnh mẽ với giá trị sản xuất năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 83.060 tỷ đồng, gấp 83,5 lần so với khi mới tái lập tỉnh. Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất nhì cả nước, đã vươn lên trở thành tỉnh khá ở khu vực miền Trung!

Du lịch những năm đầu tái lập tỉnh gần như là con số không trong nền kinh tế Quảng Nam. Tuy nhiên, với chiến lược đúng đắn về việc bảo tồn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý, danh lam thắng cảnh và con người đất Quảng; giờ đây, Quảng Nam đã hiện diện nổi bật trên bản đồ du lịch cả nước; riêng Hội An đã là điểm đến du lịch của thế giới.

Hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp như:  khu vui chơi giải trí Vinpearl Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng Hoiana, TUI Blue… cùng nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng được kết nối với du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống tiêu biểu, như: làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng (Hội An); làng du lịch sinh thái cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn); làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước); làng Đại Bình (Nông Sơn), làng văn hóa Bhơ Hôồng (Đông Giang), khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang... là những điểm dừng chân lý tưởng và bước đầu đáp ứng được nhu cầu thị hiếu, sự trải nghiệm, khám phá của du khách, nhất là khách quốc tế.

Hạ tầng giao thông miền núi được đầu tư mạnh, góp phần đổi thay diện mạo vùng tây Quảng Nam. Ảnh: L.T.K
Hạ tầng giao thông miền núi được đầu tư mạnh, góp phần đổi thay diện mạo vùng tây Quảng Nam. Ảnh: L.T.K

Hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị phát triển toàn diện, đã làm đổi thay mạnh mẽ diện mạo các vùng miền trong tỉnh; từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng, trung du đến miền núi.

Số lượng và chất lượng các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ không ngừng gia tăng; hầu khắp các làng quê đã khoác lên mình tấm áo mới từ thành quả của các phong trào xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa giao thông nông thôn... Và theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Bao gian lao, vất vả của những năm đầu tái lập tỉnh đã dần lùi vào dĩ vãng.

Hiện toàn tỉnh có 118/194 xã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ 60,82%. Huyện Phú Ninh, huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP. Tam Kỳ đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Khát vọng và hành động

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định mục tiêu đến năm 2030 Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đây là sự kết tinh trí tuệ, tầm nhìn, ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với sự phát triển của quê hương.

Khát vọng ấy được xây dựng trên nền tảng kế thừa, phát huy thành quả trong suốt chặng đường qua. Đồng thời đó cũng chính là sứ mệnh mà Quảng Nam phải quyết tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để hiện thực hóa khát vọng nêu trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra 14 nhóm giải pháp trọng tâm với những đột phá chiến lược, lộ trình, bước đi phù hợp, cụ thể. Trong đó, ưu tiên chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính quyết định, gồm:

Trước hết và quan trọng nhất, là tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng và công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đây là nhân tố có tính quyết định đến sự phát triển của tỉnh.

Du lịch những năm đầu tái lập tỉnh gần như là con số không trong nền kinh tế Quảng Nam; giờ đây, Quảng Nam đã hiện diện nổi bật trên bản đồ du lịch cả nước. Ảnh: L.T.K
Du lịch những năm đầu tái lập tỉnh gần như là con số không trong nền kinh tế Quảng Nam; giờ đây, Quảng Nam đã hiện diện nổi bật trên bản đồ du lịch cả nước. Ảnh: L.T.K

Thứ hai, huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Chủ động tiếp cận, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số đồng bộ, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, hình thành doanh nghiệp số.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ đáp ứng môi trường công nghệ số; thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.

Thứ ba, phát huy tiềm năng, lợi thế động lực của vùng kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, khu công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics; chế biến nông sản chất lượng cao, xứng tầm là trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ và cả nước.

Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; chú trọng sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng nguy cơ cao về thiên tai.

Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; lấy dịch vụ làm ngành kinh tế quan trọng; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Nam mang tầm quốc gia, quốc tế; phát triển du lịch về phía Nam, phía Tây của tỉnh.

Thứ tư, phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam; xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, năng lực, thể chất và trách nhiệm với xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bảo vệ, nuôi dưỡng, phát triển các giá trị, bản sắc và hình ảnh của con người xứ Quảng; khơi dậy khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, quê hương, đất nước. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sống an toàn, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thanh niên xung phong, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Quan tâm công tác giảm nghèo bền vững tại khu vực đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giảm dần khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền.

Thứ sáu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân và tôn trọng Nhân dân”; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng phát triển.

Niềm tin trên chặng đường mới

Thành tựu và dấu ấn nổi bật của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được minh chứng bằng sự đoàn kết, thống nhất, các chủ trương, quyết sách đúng đắn với tầm nhìn chiến lược, phù hợp, khả thi và năng lực lãnh đạo, điều hành đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, sớm đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng  vào cuộc sống.

Toàn Đảng bộ hiện có 1.157 tổ chức cơ sở đảng, tăng gấp 1,77 lần; 70.649 đảng viên, tăng gấp 2,82 lần so với năm 1997. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực.

MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy.

Những thành tựu đạt được trong chặng đường qua là hết sức quan trọng, tạo niềm tin, tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử hào hùng và quyết tâm thực hiện khát vọng về một tương lai tươi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam vị thế và khát vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO