“Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu và giữ lấy đảo vì đảo là chủ quyền của chúng ta. Nhưng chúng đông quá, cùng tàu chiến nhiều. Cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa”.
Lần theo dấu sử
Dưới thời chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc về dinh Quảng Nam. Từ đầu triều Nguyễn trở đi nó thuộc về dinh, sau là tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng do có liên hệ với cảng Đà Nẵng nên có một số hoạt động liên quan đến tỉnh Quảng Nam. Chẳng hạn, trong số các châu bản triều Nguyễn liên quan đến việc cử người khảo sát, tiến hành cắm mốc, đo vẽ bản đồ, chính sách đối với người thi hành công vụ và thực hiện cứu hộ cứu nạn trên quần đảo Hoàng Sa, hiện còn 4 bản tấu trình đề ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam về việc sai tàu tuần tiễu đem nước ngọt đi tìm kiếm cứu hộ cho tàu buôn Pháp gặp nạn ở quần đảo này, và tờ tâu của Bộ Hộ ghi ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 22 (1869) cho biết có 540 người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đi trên tàu buôn gặp nạn ở Hoàng Sa đã được quan coi quản cửa biển Đà Nẵng cho thuyền ra cứu vớt và trợ giúp.
Tờ tâu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam (năm Minh Mạng thứ 11) về việc phái tàu đi cứu hộ tàu buôn Pháp gặp nạn tại quần đảo Hoàng Sa. |
Từ năm 1938, theo Dụ số 10 ngày 29.2.1938 của vua Bảo Đại, về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa được sáp nhập vào tỉnh Thừa Thiên, thuộc dưới quyền thủ hiến của tỉnh này, nhưng vẫn có những hoạt động liên quan đến quần đảo lại giao cho một số cơ quan chuyên môn của Quảng Nam. Ví như ông Phạm Phú Dõng, y sĩ bệnh viện Hội An, đã được phái định kỳ theo tàu từ Đà Nẵng ra chăm sóc sức khỏe cho nhân viên hành chính và binh lính trên đảo (ông Phạm Phú Dõng là chắt nội cụ Phạm Phú Thứ, sau năm 1954 tập kết ra Bắc làm Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa). Năm 1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính phủ Bảo Đại việc quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa (cùng với quần đảo Trường Sa), Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã ra tận quần đảo này để làm lễ tiếp nhận.
Thành lập đơn vị hành chính
Để tiện việc liên lạc và tiếp tế từ đất liền đối với lực lượng đóng trên đảo, Thủ hiến Trung phần đưa ra đề nghị sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào thị xã Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Đề xuất này không được sự lưu ý của chính quyền Bảo Đại bấy giờ. Đến năm 1960 chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới đặt lại vấn đề này. Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần đề xuất giao quần đảo Hoàng Sa cho tỉnh Quảng Nam và bổ nhiệm viên chỉ huy quân sự kiêm chức Đảo trưởng, tương đương với một Quận trưởng. Nhưng Võ Hữu Thu - Tỉnh trưởng Quảng Nam lại gửi công văn đến Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đề xuất việc lập đơn vị hành chính cấp xã tại quần đảo Hoàng Sa để dần về sau mới nâng lên thành đơn vị cấp quận.
Nội dung công văn có đoạn: “Từ trước đến nay chưa thiết lập thôn xã trên quần đảo Hoàng Sa, lý do vì không có thổ dân (hiện nay chỉ có 110 người trong đó phân nửa là quân nhân), địa thế xa cách đất liền gần 450km, giao thông không thuận tiện. Về phương diện kinh tế, tuy quần đảo Hoàng Sa không có triển vọng gì khả quan, nhưng về phương diện quân sự thì địa điểm này rất xung yếu, hơn nữa đã thuộc về lãnh thổ quốc gia. Có dân cư thì dầu dân số ít hay nhiều cũng phải tổ chức tại đó một cơ quan hành chánh để lo việc an ninh trật tự cho dân chúng, nhất là, để tượng trưng chủ quyền quốc gia cho đúng với công pháp quốc tế. Tuy vậy, theo hiện tình của quần đảo, thì tòa tôi thiển nghĩ chỉ nên tổ chức tại đó một đơn vị xã trực thuộc quận hành chánh Hòa Vang (Quảng Nam) hay trực thuộc Đà Nẵng, ranh giới của xã gồm cả 5 đảo của nhóm Croissant (tức nhóm Lưỡi Liềm) và 6 đảo của nhóm Amphitrite (An Vĩnh), như thế đỡ tốn kém hơn lập một quận hành chánh riêng biệt…”.
Người Quảng Nam trấn đảo
Căn cứ vào tờ trình của Bộ Nội vụ lên Tổng thống, lúc đầu Ngô Đình Diệm quyết định gọi tên là xã Hoàng Sa. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, ngày 13.7.1961, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức ban hành Sắc lệnh số 174-NV quyết định thành lập đơn vị hành chính cấp xã đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, gọi là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam. Những phái viên hành chính Hoàng Sa đầu tiên gồm có ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng I tại Tam Kỳ được bổ nhiệm vào năm 1960. Tiếp đến là ông Hoàng Yến được bổ nhiệm vào ngày 27.6.1961. Ngày 21.10.1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long quận Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam (xã Hòa Long nay thuộc phần lớn diện tích quận Ngũ Hành Sơn của TP.Đà Nẵng). Đến năm 1982, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có Tờ trình (ký ngày 9.11) đề nghị Hội đồng Bộ trưởng thành lập đơn vị hành chính cấp huyện đối với quần đảo Hoàng Sa. Đề nghị này đã được Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 11.12.1982. Ngày 1.1.1997 Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó huyện Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền TP.Đà Nẵng.
Về lực lượng quản lý trên đảo, theo báo cáo của Thủ hiến Trung phần gửi cho Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam (tức chính quyền Bảo Đại) vào năm 1952 thì bấy giờ một Trung đội Việt binh đoàn gồm 35 người đã được phái ra đóng quân tại quần đảo. Sau năm 1954, nhiệm vụ này được giao cho một đại đội thuộc Trung đoàn 162 đồn trú tại Quảng Nam đảm nhiệm. Đến năm 1957, lực lượng quân sự này được thay thế bằng lực lượng thủy quân lục chiến. Nhưng đến ngày 14.11.1959 chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho lực lượng bảo an mà chủ yếu là người Quảng Nam ra quần đảo Hoàng Sa thay thế cho lực lượng thủy quân lục chiến. Hiện UBND huyện Hoàng Sa sưu tầm được danh sách 35 người thuộc Trung đội Hoàng Sa đợt 38 dự trù thay quân vào ngày 15.10.1969 do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam ký, và một sự vụ lệnh cũng do Lê Trí Tín ký ngày 3.2.1969 cấp cho 35 người này khi mãn nhiệm kỳ công tác. Chính lực lượng này đã bắt 82 lính Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm nhập quần đảo vào tháng 2.1959, đến tháng 2.1961 lại bắt 9 người Trung Quốc vượt biên cập đảo Hoàng Sa giao cho hải quân đưa vào đất liền phỏng vấn. Cứ 3 tháng một lần có sự đổi quân của những người lính bảo an (sau đổi tên thành địa phương quân) thuộc tiểu khu Quảng Nam do một trung úy trung đội trưởng chỉ huy ra làm nhiệm vụ canh giữ quần đảo Hoàng Sa. Cùng ra đảo với họ là những nhân viên khí tượng. Phần lớn những người đi Hoàng Sa đều quê tỉnh Quảng Nam, như các ông Phan Ngọc Quang (Minh An, Hội An), Lê Châu (Đại Nghĩa, Đại Lộc), Trần Hòa (Nam Phước, Duy Xuyên), Nguyễn Văn Lễ (Điện Phước, Điện Bàn), Lê Lan (Điện Trung, Điện Bàn)…
Ngày uất nghẹn
“Về phương diện kinh tế, tuy quần đảo Hoàng Sa không có triển vọng gì khả quan, nhưng về phương diện quân sự thì địa điểm này rất xung yếu, hơn nữa đã thuộc về lãnh thổ quốc gia. Có dân cư thì dầu dân số ít hay nhiều cũng phải tổ chức tại đó một cơ quan hành chánh để lo việc an ninh trật tự cho dân chúng, nhất là, để tượng trưng chủ quyền quốc gia cho đúng với công pháp quốc tế”. (Trích công văn của Tỉnh trưởng Quảng Nam - Võ Hữu Thu đề xuất lập đơn vị hành chính cấp xã tại quần đảo Hoàng Sa) |
Tôi đọc được bài ký “Tôi đến Hoàng Sa đảo” của Hải Nhân đăng trên tạp chí Thời Nay, số 26 ngày 1.10.1960. Trong đó ông có mấy câu thơ tả cảnh cô liêu trên các đảo Pattle (Hoàng Sa), Duncan (Quang Hòa): “Pát Tên ngun ngút khói sầu/ Liễu dương mấy chót ngẩng đầu tìm khơi/ Đôn Căn vệt loáng chân trời/ Khấp khênh đôi gốc dừa chơi vơi buồn/ Mịt mù mây kéo ngàn phương/ Mai này có gió gây hờn biển Đông”. Đúng như sự linh cảm của ông về điềm chẳng lành rồi sẽ xảy ra với quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 15 đến ngày 20.1.1974, Trung Quốc đưa các tàu chiến đến cưỡng chiếm nhóm phía tây của quần đảo (nhóm đảo phía đông Trung Quốc đã đưa quân lén lút chiếm đóng trái phép từ năm 1956). Những người lính Sài Gòn bấy giờ, trong đó có những người của trung đội địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam, mặc dầu chiến đấu quả cảm, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với vùng biển đảo này của Tổ quốc Việt Nam, nhưng cuối cùng đã không thể nào giữ được đảo.
Trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa ấn hành, ông Lê Lan ghi lại những dòng hồi ức của mình về cái ngày uất nghẹn ấy: “Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu và giữ lấy đảo vì đảo là chủ quyền của chúng ta. Nhưng chúng đông quá, cùng tàu chiến nhiều. Cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa. Tôi cùng 32 người khác được đưa đến đảo Hải Nam sang tàu khác khi đó có thêm 21 người lính hải quân bị bắt ở đảo khác… Ở đây gần một tháng chúng tôi được trao trả cho Hồng thập tự quốc tế ở biên giới Thẩm Quyến và Hồng Kông, và Hồng Thập Tự quốc tế giao trả chúng tôi cho chính quyền Sài Gòn”. Ông viết tiếp: “Mới đó mà đã gần 40 năm từ ngày chúng tôi bị bắt đến nay, không có người Việt Nam nào được đặt chân lên đảo Hoàng Sa nữa, nghĩ mà thấy nghẹn ngào…”, và ông đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa nhiều hoạt động để mọi người dân, nhất là lớp trẻ hiện nay “cùng chung tay góp sức giành lại tấc đất tấc vàng của ông cha ta đã dày công vun xới”.
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH