Quảng Nam - vùng đất bản lĩnh, sáng tạo

ĐĂNG KHOA - NĂNG ĐÔNG 06/04/2021 14:11

(QNO) - Năm nay, Quảng Nam tổ chức trọng thể kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021). Nhân sự kiện quan trọng đại này, ngay từ những ngày đầu năm mới chúng tôi đã liên tục kết nối với giáo sư sử học Lê Văn Lan để mong được trò chuyện cùng giáo sư về đất và người xứ Quảng trong suốt hành trình 550 năm qua. Gần đây, nhân chuyến công tác của ông tại Quảng Nam, chúng tôi mới được may mắn cùng trò chuyện...

 
 

* Thưa Giáo sư Lê Văn Lan. Tháng 6.1471, Đạo Thừa tuyên Quảng Nam được thành lập; xin giáo sư cho biết ý nghĩa của danh xưng Quảng Nam mà vị hoàng đế anh minh Lê Thánh Tông muốn gửi gắm vào tên gọi ấy?

GS. Lê Văn Lan: Chúng ta đang có một hiện tượng lịch sử, một hiện tượng văn hóa và một hiện tượng khoa học. Các hiện tượng này gắn bó ít nhất là hai yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là con người, là nhân vật lịch sử lớn - Lê Thánh Tông. Bác Hồ đã có viết về Lê Thánh Tông “Vua hiền có Lê Thánh Tông…”, đó là cách đánh giá của Bác về Lê Thánh Tông. Trong nhân cách, vai trò của các vị hoàng đế ngày xưa chúng ta thấy Lê Thánh Tông nổi bật lên và cũng tự phân biệt mình ra với các vị hoàng đế, đặc biệt là nhiều vị hoàng đế anh minh, vũ dũng, giỏi giang của dân tộc, thì Lê Thánh Tông vẫn khác biệt một điểm trong rất nhiều điểm khác. Ấy là ngài vẫn chú trọng, chú ý, thậm chí là tha thiết, thậm chí là quyết liệt với việc giữ cương vực, lãnh thổ, bờ cõi giang sơn Đại Việt mà ngài là quốc trụ, do đó mới có việc gắn bó tên tuổi, tính cách sự nghiệp của ngài với yếu tố thứ hai.

Kế đến là yếu tố địa danh. Phàm địa danh hình thành có nhiều yếu tố nguồn gốc, Nhân dân tự nghĩ tự đặt, rồi thì đọc sách vở thấy mỹ từ này hay, thì đem sử dụng… Nhưng cách ra đời và đặt tên Quảng Nam thì có gắn bó với Lê Thánh Tông, gắn bó với một tính cách mà ta đã nhắc đến ở trên là tha thiết, quyết liệt với cương vực, lãnh thổ, cõi bờ của nước Đại Việt. Do đó, vào năm 1471 ngài quyết định thành lập đạo Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt. Việc này chắc chắn ngài đã suy nghĩ, đã tính toán, đã đúc kết và đã xây dựng trên cơ sở của rất nhiều nền tảng, yếu tố để cuối cùng quyết định cho ra đời danh xưng Quảng Nam.

Vậy là đã 550 năm chúng ta thấy danh xưng đó vận hành trên không gian của đất nước và dọc dài thời gian của lịch sử, ngần ấy yếu tố giúp cho chúng ta hiểu được cái lý mà hoàng đế Lê Thánh Tông sáng tạo và quyết định đặt tên, cho ra đời danh xưng Quảng Nam.

 

Về mặt ngôn ngữ học, chúng ta có thể phân tích và đánh giá từng từ tố và có những từ nguyên để hợp thành danh xưng Quảng Nam. Chữ Quảng, thì đầu tiên có thể hiểu như là một động từ, chỉ một hành động, sự nghiệp làm rộng ra. Thế thì, nếu hiểu chữ Quảng là một động từ, thì chữ Nam dễ hiểu hơn, là phương Nam, phía Nam, hướng Nam; phương Nam, phía Nam, hướng Nam (của cái gì) của nước Đại Việt!

Do đó, với vị trí, vị thế, công năng là một động từ thì chữ Quảng đi với chữ Nam có thể hiểu được là mở rộng lãnh thổ, cương vực, địa bàn nước Đại Việt về phía Nam. Chữ Quảng ở đây là động từ mở rộng và chữ nam là hướng Nam, phía Nam của nước Đại Việt. Tuy nhiên cách hiểu phổ thông hơn, mà được thông dụng hơn, thì chữ Quảng được hiểu không phải là một động từ, mà là một tính từ, cái tính từ này làm nên tính cách thuộc tính, tính chất của chữ Nam. Vậy là, Quảng Nam có thể hiểu theo nghĩa thứ hai nữa và thường được hiểu theo nghĩa thứ hai là phương Nam, hướng Nam, phía Nam rộng lớn của nước Đại Việt.

Tôi cho cả hai cách hiểu thế này đều rất hay và có thể hiểu đúng tư duy của hoàng đế Lê Thánh Tông vào năm 1471, khi ngài ban hành, sáng tạo đặt định danh xưng Quảng Nam. Một là mở rộng lãnh thổ nước Đại Việt về phía Nam, hai là phía Nam rộng lớn của nước Đại Việt.

 
 
 

* Theo các tài liệu sử học, Quảng Nam từng là vùng đất “phên dậu” ở nơi đầu sóng ngọn gió trong cuộc mở cõi của dân tộc ta; Chúa Nguyễn Hoàng có nhận định: “đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, là “đất dụng võ của người anh hùng”… Giáo sư có thể phân tích làm rõ về nhận định trên.

GS. Lê Văn Lan: Ba ý “phên giậu”, “yết hầu”, “đất dụng võ của người anh hùng” đều là những cách nhận hiểu, đánh giá tuyệt vời.

“Phên giậu”, chúng ta thấy trong cuốn Dư địa chí Nguyễn Trãi (được dùng làm tài liệu giáo khoa dạy cho vua trẻ Lê Thái Tông học). Ở đấy, Nguyễn Trãi nhiều lần sử dụng chữ “phên giậu” để chỉ miền đất ở ngoài, xa trung tâm của đất nước lúc bấy giờ là Thăng Long. “Phên giậu”, theo Nguyễn Trãi vừa có nghĩa chỗ che chắn, vừa là chỗ xác định vị trí đường biên và lại vừa có ý nghĩa bảo tồn, bảo toàn, bảo vệ. Dùng nghĩa ấy ứng vào cho Quảng Nam, ta thấy vào thế kỷ XV, khi ra đời Đạo Thừa tuyên Quảng Nam, Đạo Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt và là miền Thừa tuyên có đất đai rộng lớn về phương Nam thì “phên giậu” hoàn toàn là một từ, một đơn vị ngữ ngôn, ngữ nghĩa xứng hợp một cách tuyệt vời với thực chất, vị thế, bản lĩnh của Quảng Nam.

Còn có cách đánh giá của Chúa Nguyễn Hoàng, đó là đất “yết hầu”, tôi có nghĩ đến địa danh, đúng ra là sơn danh thuộc đất Lạng Sơn - Xứ Lạng xưa. Đó là tên một con đèo hiểm trở. Và cái tên đó bây giờ đang được phiên ra thành ngữ Hán - Việt là Sài Hồ - đèo Sài Hồ. Căn cứ vào ngữ nghĩa Hán - Việt thì Sài Hồ không có nghĩa, sài là củi, hồ là vùng nước, không ứng được vào thực tế của con đèo rất hiểm trở, rất quan trọng của Xứ Lạng. Vậy ta phải tìm nghĩa của chữ Sài Hồ, không phải ở chỗ phiên âm sang tiếng Hán - Việt, mà là ở ngôn gốc của người địa phương, đấy là người Tày.

Trong ngôn ngữ Tày Thái cổ, chúng ta bắt gặp từ phát âm gần giống, đó là "slai kho" – Sài Hồ. Trong ngôn ngữ của người Tày Thái – "slai kho" nghĩa là cái cổ họng. Đấy những miền đất vừa là phên dậu, nhưng có thể hiểm trở và đặc biệt có vị trí, công năng, tác dụng giống như chỗ trọng yếu nhất, quan trọng nhất của cả cơ thể người. Đấy là cuống họng, yết hầu. Và Chúa Nguyễn Hoàng đặt cho Quảng Nam cái vị trí, cái tính cách "slai kho" theo tiếng Tày, Sài Hồ theo tiếng phiên âm, mà gốc là cuống họng, yếu hầu. Một lần nữa là sự chính xác đến tuyệt vời.

Còn bây giờ là đánh giá “đất dụng võ của người anh hùng”. Điều này lại càng dễ hiểu, vì khi vua Lê Thánh Tông đặt tên Quảng Nam thì cũng đầy rẫy những chuyện võ nghệ, binh bị, vũ lược và lược thao để tổ chức nhiều hoạt động và hành động chiến tranh khi tự vệ, khi nổi dậy, khi đấu tranh..., tất cả những hoạt động cực kỳ phong phú trong suốt thời gian ấy đều xây dựng trên cơ sở của việc binh bị, của việc võ lược. Từ sau thế kỷ XV, một lần nữa ta lại thấy miền đất được Lê Thánh Tông gọi tên là Quảng Nam, nó nằm ở giữa của những sức hút, của những tác động, khi ở phương Nam đến, khi từ phương Bắc tới, do đó miền đất mà ở giữa bao nhiêu thế lực, bao nhiêu cuộc tranh chấp, những cuộc gây ảnh hưởng như thế thì chắc chắn đấy là miền đất tạo ra cái sức mạnh, cái truyền thống của mình và gìn giữ bản lĩnh ấy tất nhiên phải đụng chạm tới, nếu không phải là nắm chắc tới những phương tiện, hình thức, phương thức đấu tranh vũ lực, dụng võ, từ đấy chúng ta hiểu cách đánh giá rất chung, rất đúng “đất dụng võ của những người anh hùng”.

 

GS. sử học Lê Văn Lan trong một chuyến công tác nghiên cứu các tư liệu lịch sử về Thương cảng Hội An, về văn hóa Quảng Nam.

 

* Thưa ông, GS. Trần Quốc Vượng đã khái quát: “… Đã có một đất Quảng trọng sùng Nho học lâu đời, đã có một đất Quảng của phong trào Duy Tân và Đông Du, một đất Quảng tây học, một đất Quảng sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga, một đất Quảng anh dũng chống Pháp, kiên cường chống Mỹ…" Theo giáo sư, những yếu tố quan trọng nào đã tạo nên một vùng đất Quảng Nam như thế?

GS. Lê Văn Lan: Rất dễ hiểu những yếu tố đấy. Cứ điểm danh các phong trào, các tính cách mà GS. Trần Quốc Vượng đã điểm ra ở trên, đấy đều là những sự kiện, phong trào, hoạt động từ thế kỷ XIX – XX. GS. Vượng gọi đó là lâu đời, nhưng lâu đời 2,3 thế kỷ thế thôi. Tôi muốn cung cấp nhiều thế kỷ hơn thế nữa và trước đấy nữa.

Chúng ta từng biết đến sự kiện thành lập những bộ lạc trong số 15 bộ lạc của nước Văn Lang thời Hùng Vương, rồi tên của quận Nhật Nam trong ba quận của Nước Việt dưới sự đô hộ của phương Bắc, chúng ta đã nói tới những hoạt động từ thời Lý, Trần, đặc biệt là thời Lê thế kỷ XV. Đấy là những sự việc, sự kiện, những hoạt động, những phong trào cực kỳ quan trọng diễn ra trước thế kỷ XIX, XX mà GS. Trần Quốc Vượng đã nêu. Cho nên từ lâu đời hơn thế rất nhiều, một bản lĩnh đã được rèn tạo cho đất và người nơi đây để đến thế kỷ XIX sang đến thế kỷ XX, GS. Trần Quốc Vượng kiểm điểm thêm những yếu tố đó để nói lên một điểm thống nhất và truyền thống xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử của vùng đất này.

 

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cảm nhận về đất và người xứ Quảng (tháng 3/2021)

* Vào cuối thế kỷ XVII, từ cuộc du hành Quảng Nam của mình, Thích Đại Sán có viết về sự sầm uất và thịnh vượng của Hội An - Faifo: “Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy... Hai bên bờ nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ sáng”. Cùng với Hội An, Dinh trấn Thanh Chiêm là “một trong những trung tâm lớn của xứ Đàng Trong”, “là một trong những cái nôi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ”. Nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam, xin giáo sư cung cấp thêm những thông tin để người dân Quảng Nam hiểu hơn về vấn đề này.

GS. Lê Văn Lan: Bác Hồ là người đầu tiên phát hiện ra và tổng kết hai truyền thống song hành của lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta. Đó là truyền thống dựng nước và giữ nước “các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”. Những ví dụ nêu trên, từ Thích Đại Sán, đến những thương nhân, người nội địa và người bản xứ và người nước ngoài, rồi đến các nhà trí thức giỏi ngôn ngữ Việt - Hán ở thời kỳ mà họ tiếp xúc, cộng tác và giúp đỡ cho những người nước ngoài để tạo ra chữ Quốc ngữ. Tất cả những hoạt động như thế đã diễn ra trên đất Quảng Nam, nó là một bộ phận của cả một tiến trình và của cả một không gian rộng lớn, mà có hai tuyến, hai truyền thống phát triển như Bác Hồ đã tổng kết.

Tôi đã đọc một nghiên cứu hết sức thú vị của GS. Lý Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Ông ấy đã nghiên cứu một phương ngữ của tiếng Việt đó là tiếng Quảng Nam. Tiếng nói không lẫn vào đâu được, nhưng nó tồn tại là một phương ngữ. Công của GS. Lý Toàn Thắng là tìm ra tiếng Quảng Nam với tư cách là một phương ngữ đã đóng góp vào sự hình thành chữ và tiếng Quốc ngữ đầu tiên từ thế kỷ XV, XVI. Tôi cho đấy là sự phát hiện về đóng góp của Quảng Nam rất thú vị mà ở trên dòng truyền thống chúng ta đang nói ở đây, từ những hoạt động ở Hội An đến Thanh Chiêm, đến nhiều địa điểm khác, nhưng nó thuộc dòng truyền thống dựng nước.

 

* Thưa Giáo sư! 550 năm cùng với quá trình hình thành và phát triển của danh xưng Quảng Nam, các thế hệ người Quảng đã có những đóng góp rất cụ thể và nổi bật đối với quá trình phát triển của lịch sử, văn hóa của dân tộc. Và có thể khẳng định danh xưng Quảng Nam đã được định vị và khẳng định ở khu vực và trên thế giới! Theo giáo sư, từ những kết quả, thành tựu đã đạt được trong 550 năm qua, thời gian đến Quảng Nam cần kế thừa, tiếp tục định vị - khẳng định, phát huy những giá trị tiêu biểu nào?

GS. Lê Văn Lan: Trong dịp kỷ niệm trọng đại và thiêng liêng 550 năm này, người Quảng Nam nhận thức và tiếp tục nhận thức lại về những giá trị của mình, tôi có thể gói lại 4 chữ, để tổng kết lại quá trình tự nhận thức cũng như cả nước đã công nhận. Đó là giữ nước thì kiên cường, dựng nước thì sáng tạo. “Kiên cường, sáng tạo”, tôi cầu chúc, cầu mong và kính mừng cho Quảng Nam với 4 chữ đáng tự hào như thế.

 
Giáo sư sử học Lê Văn Lan và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường trong một cuộc gặp gỡ chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam. 

Tôi rất mừng là Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đều nói đến 4 chữ này, đặc biệt với những thuật ngữ mới như “Khát vọng phát triển”. Đẹp lắm, trong những thuật ngữ mới đó chứa đựng đầy đủ những phẩm chất mà Quảng Nam đã có – Quảng Nam “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, Quảng Nam với những chí sĩ, nhà hoạt động mãnh liệt sáng tạo, kiên cường ở thời Đông Du, Duy Tân, rồi Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, tất cả đều chứa đựng sự kiên cường, sáng tạo.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan rất yêu quý mãnh đất, con người Quảng Nam và luôn tâm huyết, nghiên cứu để tham gia cố vấn nội dung lịch sử cho Lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan rất yêu quý vùng đất, con người Quảng Nam và luôn tâm huyết, nghiên cứu để tham gia cố vấn nội dung lịch sử cho lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam.

* Nhân chuyến về thăm làm việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam, giáo sư có cảm nhận gì về vùng đất - con người Quảng Nam?

GS Lê Văn Lan: Tôi rất biết ơn đất và người mà có tên gọi vừa thân thương, kính trọng, kính nể. Cái tên đó rất ít nơi được gọi là Xứ. Đó là xứ Lạng, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế và cuối cùng là xứ Quảng Nam. Chúng ta rất mừng vì tiếng nói dân tộc, ngôn ngữ dân tộc đã tạo ra và gắn cho một số vùng miền như thế, trong đó có Quảng Nam mà tên gọi thân thương là xứ Quảng. Tôi cầu chúc, cầu mong cho xứ Quảng của các bạn, của chúng tôi, của chúng ta ngày càng phát triển trên cơ sở giữ vững truyền thống 4 chữ mà tôi nghĩ ra là “Kiên cường, sáng tạo”.

 

 * Trân trọng cảm ơn giáo sư!

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam - vùng đất bản lĩnh, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO