Dự kiến, Quảng Nam sẽ dành khoảng 416 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đây là chính sách sẽ được HĐND tỉnh quan tâm bàn thảo, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 28 (khai mạc vào hôm nay 4/12).
Nhiều nội dung hỗ trợ
Theo tờ trình của Sở Xây dựng, cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm 3 nội dung về hỗ trợ công tác bồi thường, tái định cư; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện thủ tục đầu tư.
Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai; tạo quỹ đất sạch để chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án (bao gồm dự án có phân kỳ đầu tư đã được cấp thẩm quyền chấp thuận), bao gồm: Hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quản lý chất thải rắn, hệ thống vệ sinh công cộng (trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong tòa nhà) nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ 100% phí, lệ phí thực hiện thủ tục đầu tư, gồm: Phí thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật); thẩm định phê duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy và các phí, lệ phí khác đã được HĐND tỉnh ban hành quy định.
Đối tượng áp dụng của cơ chế này bao gồm: Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Nhà ở ngày 27/11/2023; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được hưởng ưu đãi đối với phần diện tích đất quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 83 Luật Nhà ở; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Quảng Nam.
Kỳ vọng tạo động lực
Thực hiện “Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 7815 ngày 14/11/2023, trong đó đề ra mục tiêu “Phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đến năm 2030 ước đạt khoảng 19.600 căn”.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, đến nay mới chỉ có 1 dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng do Công ty Panko đưa vào sử dụng với diện tích xây dựng 5,1ha ở giai đoạn 1 tương ứng với 200 căn phòng.
Còn lại, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ mới thực hiện ở bước danh mục đầu tư, chuẩn bị đầu tư, một số ít dự án mới triển khai đầu tư. Tỉnh chưa có sản phẩm nhà ở xã hội đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu cho đối tượng chính sách.
Trong những nguyên nhân chậm phát triển nhà ở xã hội có nguyên nhân về cơ chế hỗ trợ đầu tư chưa đủ hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.
Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, số lượng các đầu việc trong thủ tục đầu tư của dự án nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Tổng thời gian thực hiện thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu đến khi khởi công tối thiểu 2 năm, làm nản lòng các nhà đầu tư quan tâm.
Để có thể thu hút nhà đầu tư, đại diện Tập đoàn Vingroup kiến nghị cắt giảm các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, Nhà nước cần ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở xã hội được ngân sách hỗ trợ; miễn, giảm tiền thuê đất cho chủ đầu tư tự xây dựng công trình thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó cần điều chỉnh suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế; xem xét hạ lãi suất, tăng thời hạn vay đối với chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê nhà ở xã hội…
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Việc ban hành quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là cần thiết.
Điều này được quy định tại Luật Nhà ở 2023, trong đó nêu rõ: “HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn phù hợp với thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Theo Sở Xây dựng, số lượng công nhân đang làm việc trong các KCN ước khoảng 47.860 người, trong đó tập trung nhiều ở các KCN Điện Nam - Điện Ngọc (khoảng 15.600 công nhân), KCN Tam Thăng (khoảng 10.000 công nhân), KCN Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải (khoảng 9.000 công nhân). Lực lượng công nhân tham gia sản xuất chủ yếu đến từ các địa phương lân cận tự túc chỗ ở, thuê nhà trọ.