Sau khi nhóm tàu cá “3 không” được lập danh sách, cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, hoàn thành giải quyết đúng hạn. Vấn đề hiện nay là xử lý tàu cá hành nghề giã cào trái phép.
Quyết tâm và thành quả
Một nhiệm vụ quan trọng trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU) để gỡ “thẻ vàng” thủy sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) là xóa bỏ tàu cá “3 không” (không đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản, đăng kiểm).
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương có nghề cá, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã thống kê và lên danh sách 1.169 tàu cá “3 không” bắt buộc phải đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm. Lâu nay những tàu cá này chịu phận “3 không” do hồ sơ không đầy đủ, chủ phương tiện tự cải hoán máy móc, thay đổi kích thước thân tàu...
Ngày 6/5/2024, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23, ngày 15/11/2018 quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
Căn cứ Thông tư số 06, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương gỡ vướng cho tàu cá “3 không” và ban hành Thông báo số 224 lập danh sách 1.169 tàu cá “3 không” cần được hỗ trợ.
Trong quá trình triển khai, xuất hiện vướng mắc khi không ít chủ tàu cá không có hóa đơn tài chính đối với máy thủy, vỏ tàu, không thể thực hiện thủ tục lệ phí trước bạ nên không được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm.
Để gỡ vướng, UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế Quảng Nam chỉ đạo ngành thuế các địa phương giúp ngư dân giải quyết khó khăn về lệ phí trước bạ. Ngoài ra, sau khi danh sách tàu cá “3 không” được lập (theo Thông báo số 224), qua kiểm tra, đo đạc, huyện Núi Thành tăng thêm 485 tàu cá “3 không”, các địa phương khác tăng thêm 170 tàu cá “3 không”.
Để có cơ sở giải quyết cấp phép cho số tàu phát sinh, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung 655 tàu cá “3 không” này vào danh sách Thông báo số 224 đã ban hành.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đến nay, công tác hỗ trợ các chủ tàu cá “3 không” có tên trong Thông báo số 224 của UBND tỉnh để đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm đã hoàn thành.
Chi cục Thủy sản đang thống kê tàu cá “3 không” đã được các địa phương giải quyết (ngành thủy sản cấp tỉnh cấp giấy phép cho tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, các địa phương cấp giấy phép cho tàu cá có chiều dài dưới 12m) để cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfisbase.
Ngành thủy sản thời gian qua đã về các địa phương, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ phương tiện khai báo, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm theo quy định mới.
Ngày 30/9 vừa qua là hạn cuối cùng để các chủ phương tiện tàu cá “3 không” thực hiện đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm. Sau thời điểm này, những tàu không được cấp phép, không có tên trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase sẽ không được phép hoạt động trên biển và chịu xử lý theo quy định của pháp luật nếu ngành chức năng phát hiện đánh bắt hải sản trên biển.
Băn khoăn với tàu giã cào
Mới đây, gần 40 chủ tàu hành nghề giã cào trên địa bàn TP.Hội An và huyện Duy Xuyên đã đến địa điểm tiếp công dân của tỉnh trình bày sự vụ liên quan đến việc xuất bến đánh bắt hải sản.
Các ngư dân cho rằng, giấy phép khai thác thủy sản của tàu vẫn còn hiệu lực nhưng lực lượng biên phòng Cửa Đại (Hội An) không cho họ đưa tàu ra khơi là không công bằng.
Ông Võ Văn Long cho biết, theo quy định của UBND tỉnh, từ năm 2014 không cho phát sinh thêm nghề giã cào tận diệt nguồn lợi nên ngành chức năng không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu mới hành nghề giã cào.
Nhóm gần 40 chủ tàu giã cào ở Hội An, Duy Xuyên thuộc nhóm mới, không được cấp phép nên ngành thủy sản vận động các ngư dân chuyển sang nghề lưới rê, và đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho họ vào năm 2019. Từ đó đến đầu năm 2024, các ngư dân này vẫn đưa tàu ra khơi với giấy phép hành nghề lưới rê, tuy nhiên thực tế vẫn hành nghề giã cào.
Gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về kiểm soát không cho tàu cá không đủ điều kiện đi biển đánh bắt hải sản, cán bộ trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đại khi kiểm tra xuất bến nhận thấy ngư dân được cấp giấy phép khai thác thủy sản bằng nghề lưới rê nhưng lại trang bị trên tàu ngư lưới cụ hành nghề giã cào là không đúng quy định nên không cho ra khơi.
“Chúng tôi vận động ngư dân chuyển sang nghề lưới rê và cấp giấy phép khai thác thủy sản với nghề lưới rê để ngư dân được ra khơi. Theo quy định, giấy phép khai thác thủy sản cấp cho nghề nào thì ngư dân phải sản xuất bằng nghề đó. Nay ngư dân ra khơi bằng nghề giã cào là không đúng” - ông Long nói.
Một vấn đề khác cũng thuộc về nghề giã cào là nghề này không được cấp giấy phép khai thác thủy sản nhưng nhiều tàu vẫn đi đánh bắt hải sản thường xuyên. Những tàu này do hoạt động ở vùng bãi ngang (Thăng Bình, Núi Thành) không có trạm kiểm soát biên phòng nên vẫn đi biển mà không phải thực hiện các thủ tục xuất bến, cập bến theo quy định.
Về điều này, ông Võ Văn Long cho biết, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng tần suất tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt theo quy định của pháp luật.