Quảng Nam yêu thương - Bài ca mang tâm hồn Quảng

PHAN VĂN MINH 04/07/2015 09:44

Năm 1978, lần đầu tiên chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) mời các nhạc sĩ ở trung ương về viết theo đơn đặt hàng một “tỉnh ca” cho địa phương mình. Thời đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã rất nổi tiếng với những ca khúc “đồng cấp” như  Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Bài ca năm tấn, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Và lần này,  bài hát Quảng Nam Đà Nẵng - Đất nặng nghĩa tình của ông đã “trúng tuyển”, được các vị lãnh đạo và đài báo địa phương  nhiệt tình cổ xúy. Thế nhưng chỉ sau đó bốn năm (1982), người dân Quảng lại nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam một ca khúc khác do ca sĩ Thu Hiền thể hiện với đầy đủ “hương liệu” của quê hương xứ mình. Đó là bài Quảng Nam yêu thương của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một công dân Đà Nẵng quê gốc Điện Bàn.

Kể từ đó, bài hát này đã được cộng đồng cư dân Quảng Nam đón nhận, nâng niu như một “đứa con cưng”, một niềm tự hào, một đặc sản mang “thương hiệu” của quê hương mình trong những cuộc giao lưu âm  nhạc. Vậy cái gì trong đó đã làm nên một “món ăn” tinh thần hợp với khẩu vị của người dân xứ Quảng đến thế?

Phan Huỳnh Điểu tại đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi. Ảnh: VĂN BẢY
Phan Huỳnh Điểu tại đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi. Ảnh: VĂN BẢY

Ngay từ đầu tác phẩm, cũng với hai câu ca dao trong một làn điệu hò khoan  quen thuộc: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ (Chớ) rượu hồng đào chưa nhắm (mà) đà say”, bằng thủ pháp xử lý quãng âm với những bước nhảy khá rộng theo phong cách nói năng như... cuốc đất, bửa củi của cư dân xứ Quảng, tác giả đã bày ngay ra một món “khai vị” vừa nghèn nghẹn vừa ngọt ngào như một... “tộ” khoai chà ngào đường. Hơn nữa, không rõ do ngẫu nhiên hay cố ý, giai điệu câu hát có phần mô phỏng đường nét của làn điệu Lý con ngựa trong dân ca Trung Trung bộ: “Con ngứa ngựa ô, a la ô mà nóng tính, a la nó lăng loàn...”. Tuy cả hai giai điệu đều đặt trên cơ sở điệu Nam trong các điệu thức 5 âm (ngũ cung) nhưng ở Lý con ngựa là điệu Nam Xuân với tính chất tươi vui, hài hước vốn khá phổ biến trong dân ca xứ Quảng, còn trong Quảng Nam yêu thương, Phan Huỳnh Điểu đã sử dụng điệu thức Nam Ai khiến cho giai điệu trở nên mềm mại, sâu lắng, trữ tình hơn. Tiếp đó, lại là một mô típ khác trong giai điệu bài Lý tang tít (tích), một “đặc sản” dân ca Quảng Nam thứ thiệt:

“Lời hát xưa sao nghe thắm đượm tình” = “Tàng tít tang nòn nang tít tàng tàng...”

Từ đây, bằng sự biến hóa tài hoa của mình, tác giả đã phát triển, mở rộng, phối hợp cả hai chất liệu dân ca trên thành toàn bộ tác phẩm. Đồng thời về mặt ca từ, tác giả đã rất tinh tế khi chọn lọc, cấu trúc lời ca theo phong cách Quảng Nam. Những cách diễn đạt như: sao nghe thắm đượm tình, xao xuyến trong tim mình, chân bước không đành, thơm hương rừng man mác, thơm ngát mùi đường non, chớ em nói đậm đà... vừa mộc mạc dung dị, vừa thấm đẫm nghĩa tình chân chất như con người quê Quảng.

Ngoài ra, ở phần cuối bài, tác giả còn đưa thêm một mẩu vocal xem như một gian tấu trước khi về đoạn kết (Coda): “Ớ... ơ... ơ hò”. Chất liệu của câu hò này có lẽ được chiết xuất từ làn điệu Hò chèo thuyền (trên sông cái): “À ơ... Ngó lại quê mình...”. Dù chỉ là một mô típ ngắn với 3 nhịp nhưng sức gợi cảm của nó vô cùng hiệu quả. Giai điệu câu hò đi từ cao xuống thấp không gây hiệu ứng hướng ngoại giữa một không gian rộng lớn như vốn thường gặp trong các câu hò Nam bộ, trái lại nó lại tạo nên một cảm thức hướng nội như một lời tự sự, một lời nhắn gửi vào chính trong tâm hồn chủ thể người hát. “Ớ...ơ...ơ hò”. Hò một mình. Hò như một sự nhẫn nại, một tiếng thở hắt ra từ nhịp sống cần lao. Cái lối “hò đi xuống” này khá phổ biến trong nhiều bài dân ca Quảng Nam. Phải chăng đó cũng là một trong các tính cách của cư dân trên mảnh đất “chưa mưa đà thấm” này!

Tuy nhiên, những điều phân tích có vẻ “học thuật” trên đây có thể giống như “thầy bói mù xem voi”, chưa chắc đã đúng với tâm trạng và ý đồ tác giả. Có thể khi sáng tác bài hát này, Phan Huỳnh Điểu không cần chuẩn bị gì nhiều mà chỉ viết ra, hát lên từ cảm thức đã được trầm tích bao năm của một con dân Quảng Nam. Bài hát đã nói hộ cho bao thế hệ từng sinh ra và lớn lên trên xứ sở này về tình yêu với bóng núi hình sông, hương nội cỏ đồng, về những thổn thức với đam mê và khát vọng trong lời ru của mẹ, trong câu hượi câu hò văng vẳng đêm thâu... Có lẽ vì vậy mà Quảng Nam yêu thương đã đi vào tâm hồn người Quảng chúng ta một cách tự nhiên nhưng luôn ngập tràn xúc cảm và trở thành tài sản chung của cả cộng đồng cư dân xứ này. Không những thế, bài hát đã có sức lan tỏa sâu rộng, vượt ra khỏi địa giới một tỉnh để đến với công chúng cả nước. Khi hát về Quảng Nam, các cơ quan truyền thông và bạn bè khắp nơi thường có lựa chọn đầu tiên là bài Quảng Nam yêu thương. Đó thực sự là niềm hạnh phúc không chỉ dành riêng cho người sáng tác mà cho cả một cộng đồng.  

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết hàng chục ca khúc về Quảng Nam - Đà Nẵng. Mỗi lần về thăm quê ông đều có sáng tác mới. Với Đà Nẵng ông có Đà Nẵng ơi chúng con đã về,  Đà Nẵng là nỗi nhớ, Về với Sông Hàn... Với Quảng Nam ông có Hội An ai mà không nhớ, Lãng đãng chiều Phú Ninh, Hát trên sông Vu Gia, Có ai về Quảng Nam...Những tác phẩm này đều được các địa phương nhiệt thành đón nhận. Tuy nhiên, dường như cho đến nay đối với người Quảng nói chung, bài Quảng Nam yêu thương đã trở thành một hình mẫu “logo” quá thân thiết, chưa có gì thay thế được. Và có lẽ như thế cũng đã khá trọn vẹn nghĩa tình giữa một người con tài hoa với quê cha đất mẹ.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam yêu thương - Bài ca mang tâm hồn Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO