Quảng Thuận đạo sử tập có nghĩa là tập lịch sử về đạo Thuận Quảng. Đạo là một cấp độ đơn vị hành chính đương thời (như tỉnh ngày nay). Sách do Nguyễn Huy Quýnh biên soạn trong khoảng thời gian từ năm 1775 đến năm 1785 khi ông tham gia Nam chinh năm 1775 và sau đó làm các chức quan Đốc thị Thuận Quảng, Đề đốc học chính, Kiêm lý lương hướng ở Thuận Hóa.
Trang bìa Quảng Thuận đạo sử tập. |
Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) là đời thứ 10 của họ Nguyễn Huy Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), một dòng họ có nhiều vị khoa bảng nổi tiếng như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh…
1. Theo Di sản Hán Nôm - thư mục đề yếu, Quảng Thuận đạo sử tập do Nguyễn Huy Quýnh biên tập, Nguyễn Huy Chương vẽ bản đồ năm Bảo Đại thứ 18 (1943), một bản viết tay gồm 88 trang (thực tế 47 tờ 94 trang - NV) và nhiều bản đồ của 2 xứ Thuận, Quảng; ghi chép về lịch sử và địa lý của Quảng Nam và Thuận Hóa gồm các phủ, châu, huyện, đường thủy, đường bộ, doanh trại, kho tàng… Hiện bản gốc của tập sách này được lưu trữ tại gia tộc Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh và Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu VHv.1375, ngoài ra còn có bản microfilm hiện lưu giữ tại thư viện Pháp ở Paris với ký hiệu 1759 21.2.64.
Trang bản đồ phần phía bắc Quảng Nam - Đà Nẵng. |
Nội dung của tập sách này đã được biên dịch và in chung trong sách Nguyễn Huy Quýnh cuộc đời và thơ văn (Nxb Lao Động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008). Nay tập sách được in riêng và có kèm theo nguyên bản chữ Hán cùng với bản đồ màu, do Nhà xuất bản Đại học Vinh xuất bản vào đầu năm 2018. Trong đó một số địa danh của Quảng Nam hay nơi khác trong tập sách được phiên âm theo đúng mặt chữ Hán Nôm nhưng vẫn chưa chính xác theo cách gọi của người địa phương.
Giá trị của tập sách là giúp cho người đời nay hình dung được hình ảnh núi non, sông biển và nhất là những cung đường của 2 vùng Thuận, Quảng từ hơn 200 năm trước. Sách này ra đời sớm hơn so với những bộ thư tịch lịch sử, địa lý của triều Nguyễn về vùng đất Thuận - Quảng, nên tư liệu càng giá trị về mặt niên đại. Ví dụ địa danh Hoàng Sa đã được nhắc đến và miêu tả trong tác phẩm này: “Có núi Cù Lao Ré, trên núi (đảo) có dân cư, gọi là xã An Vĩnh, sản xuất nhiều dầu, (…), xã này có đội thuyền là đội Hoàng Sa Nhị, hàng năm tám chiếc lại ra biển, đến xứ Hoàng Sa lấy các hàng hóa, châu báu đem về nạp tại Dinh Phú Xuân, tháng 4 ra đi, tháng 7 lại quay về” (trang 23). Hay như diện mạo thành Phú Xuân của chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18 cũng được mô tả và vẽ bản đồ chi tiết trong tập sách này.
2. Theo tập sách, Quảng Nam ngày xưa còn có tên là Nam Chính, năm thứ 20 niên hiệu Hồng Đức (1489) mới đổi thành Quảng Nam. Đây là một thông tin mới mà trong nhiều thư tịch khác không thấy nhắc đến. Sự phân chia hành chính lúc đó là 3 phủ 9 huyện. “Đến họ Nguyễn mới đổi làm 5 phủ 5 huyện, 6 đạo, 3 thuộc, 9 ấp”.
Sách chép tỉ mỉ về đường đi của 2 vùng Thuận - Quảng bao gồm lộ trình và khoảng thời gian đi hết lộ trình đó. Đồng thời ở phần thứ 2 của tập sách là những bản đồ, bản vẽ cụ thể cho phần mô tả ở phần đầu của tập sách. Riêng về các cung đường Quảng Nam xưa (thuộc địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay) bắt đầu từ núi Ải Vân (Hải Vân) đi về nam gồm 4 tuyến đường. Trong đó, tuyến đường thứ nhất là con đường giữa từ Đò Ải Vân, cầu Tứ Khê, qua 5 tầng đỉnh núi, đến đò Cu Đê là 1 ngày 3 canh giờ. Tuyến đường thứ 2 là một đường vượt núi Hoa Ổ, thông qua núi nhỏ Thanh Khê, Bàu Đất, đến bến đò Mỹ Thị là 1 ngày 2 canh giờ. Từ Mỹ Thị qua sông Tam Hà (tục gọi Ba Đò) đến quán Cẩm Sa là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Cẩm Sa đến dinh Quảng Nam là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Kẻ Thế vượt qua đò Bà Rén đến quán Hà Lam là 1 ngày. Từ Hà Lam vượt tháp Bà Dầu đến Chiên Đàn là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Chiên Đàn qua cầu, vượt đò Tam Kỳ đến bến đò Bầu Bầu, là 1 ngày 3 canh giờ rưỡi.
Một đường thủy từ Đò Ải Vân đến Cu Đê 3 canh giờ. Từ Cu Đê đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) là 3 canh giờ (ngoài cửa có mỏm Sơn Trà, bên trong có vũng, thương thuyền các nước đậu ở bên sông, có lối thông đến phố Hội An, vào bằng sông Bến Ván và ra bằng cửa Hiệp Hòa). Từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến Cửa Đại Chiêm là 4 canh giờ (ở đây có núi Cù Lao, có dân ở, thương thuyền đậu rất nhiều). Từ Cửa Đại Chiêm đến Cửa Hiệp Hòa là 4 canh giờ.
Thông qua tập tư liệu cổ này, chúng ta còn có thể biết đến những địa danh “xa lạ” vì bị dần lãng quên trong quá khứ hay những địa danh còn tồn tại đến ngày nay vốn xuất hiện từ lâu đời. Ngoài những thông tin thuần túy về bản đồ dễ chừng “khô khan”, tập sách cũng ghi chép những sự việc “linh dị” lôi cuốn người đọc: “ở chỗ này có Vực Sen, Bến Hồ, ở đó trồng nhiều sen, người khác mà hái sen thì mắc bệnh rồi chết, sen này rất linh ứng, lại còn có nhiều cá sấu, trong đó có đôi cá sấu thần, tục gọi là Ông Mộc Bà Mộc, nếu có đám cá sấu khác phạm đến người thì Ông Mộc Bà Mộc sẽ trị tội chúng. Bờ sông có một ngôi miếu cổ linh thiêng” (trang 22).
Cùng với Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ 15), Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc (thế kỷ 16), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ 18), Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh là một thư tịch cổ về vùng Thuận - Quảng xưa nói chung và đất Quảng nói riêng. Người đời sau minh giải được văn bản sẽ thu được những thông tin tư liệu quý báu.
HƯƠNG THU