1.Nhà chuyên môn và những người có trách nhiệm đã kết luận, nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT) chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông gây ra, sau đó mới đến những yếu tố khác, trong đó có hạ tầng giao thông. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê lại cho rằng, hạ tầng giao thông cũng là nhân tố quyết định khiến nguy cơ xảy ra TNGT trở nên hiện hữu. Đặc biệt, đường sá yếu kém như hiện nay sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro cho người qua lại. Đơn cử, nếu mật độ người tham gia giao thông đông đúc mà lòng đường chật hẹp nên dù có ý thức cao đến đâu cũng rất khó tránh được va chạm ngoài ý muốn giữa hỗn hợp các phương tiện cùng đồng hành, nhất là giờ cao điểm. Lỡ trong số ấy, một vài đối tượng say xỉn “chạy rồng, chạy rắn” thì mức độ gây ra tai nạn sẽ nghiêm trọng hơn gấp bội phần. Chưa kể, tình trạng đường sá xuống cấp, “ổ gà”, “ổ voi”, “sống trâu” trên một số tuyến đường phục vụ thi công một số công trình trọng điểm thời gian qua cũng gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông. Có thể khẳng định, ngoài lực cản quá trình phát triển kinh tế, khiến môi trường bị ô nhiễm, hạ tầng giao thông yếu kém và “đuối sức” trước tốc độ tăng nhanh của phương tiện sẽ là cơ sở để TNGT bùng phát.
2. Xoay quanh câu chuyện lối đi, vỉa hè và lòng đường đang bị chiếm dụng như hiện nay cũng góp phần đẩy tính mạng của người tham gia giao thông vào vòng nguy hiểm. Quan sát ở địa phương nào bất kỳ trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ dàng nhìn thấy thực trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, một khi người có trách nhiệm còn mang nặng tâm lý thương cảm, vị nể. Sáu tôi nhiều lần chứng kiến cảnh “tan rồi họp” của một số người dân “tận dụng” vỉa hè để buôn bán tại đô thị Tam Kỳ. Không chỉ đẩy người đi bộ ra khỏi khu vực quy định, những “tiểu thương” bất đắc dĩ còn tạo nên sự nhếch nhác cho mỹ quan chung của bộ mặt thành phố tỉnh lỵ. Lực lượng chức năng đến giải tỏa, thành phần vừa nêu “tan” được vài bữa rồi “họp” bình thường như thách thức nỗ lực, kiên quyết của địa phương. Chính quyền làm mạnh tay, họ lại kêu ca, rên xiết nhằm tìm sự đồng thuận, kể cả từ giới truyền thông. Cũng ở Tam Kỳ, lòng đường còn bị chiếm dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Một vài hộ xem phố phường như ở vùng nông thôn, dựng rạp lấn chiếm lòng đường để phục vụ đám cưới, nhà mới… Đáng buồn, có trường hợp lại xảy ra trên đường Trần Phú, bên hông trụ sở UBND tỉnh; hay bất thường “mọc” đường Lý Thường Kiệt, gần phía trước một trường học. Điều ấy chứng tỏ ý thức thị dân của đô thị mới này chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí dậm chân tại chỗ. Bởi ở vùng quê hiện nay, nhiều gia đình đã liên hệ mượn khu văn hóa của thôn để tổ chức đám cưới, chứ không còn tự phát chiếm dụng lòng đường vào việc riêng của mình.
SÁU CÒI