Quanh quẩn củ sâm

TRUNG VIỆT 12/08/2013 08:19

Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Quảng Nam, chuyện đó khỏi bàn cãi. Tuy nhiên “bài ca” thiếu giống, quản lý và phát triển nguồn giống này sao cho có hiệu quả… đã vang  lên nhiều năm, đến nay chưa có câu trả lời rõ ràng.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa đi kiểm tra vườn dược liệu sâm tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) về, cho biết hiện vườn giống tại đây có diện tích 44ha, với hơn 60 nghìn cây giống. So với năm 2012, việc chăm sóc, bảo quản đã có  đổi mới, nạn mất cắp giảm hẳn đi. So với nhu cầu và khả năng phát triển của cây sâm thì diện tích trên  là quá khiêm tốn. Lâu nay, việc quản lý và sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh  được giao cho Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam. Thế nhưng, bài toán về quản lý đã lộ rõ bất cập và cơ quan chức năng được giao là Sở Y tế  phải tìm ra hướng giải quyết thấu đáo, bởi công ty trên đã cổ phần hóa.

“Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm, vì thế Nhà nước phải quản lý, vấn đề này UBND tỉnh đã quyết rồi”- ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định. Còn cụ thể việc quản lý ra sao thì đang được ngành y tế lập đề án. Theo ông Đức, làm gì thì làm, mô hình ra sao nhưng phải bảo tồn được nguồn gien, cung cấp và điều phối giống, phát triển nguồn nguyên liệu và vấn đề này phải do Nhà nước nắm. Còn việc thu mua và chế biến có thể giao cho tư nhân, nhưng giá cả không được thả nổi, tránh tình trạng tư nhân và Nhà nước mạnh ai nấy ra giá. Với điều kiện đặc thù vô cùng khó khăn tại vùng Trà Linh, muốn phát triển nguồn sâm giống cần phải chăm lo đời sống của lực lượng lao động tại chỗ từ chế độ tiền lương, công tác bảo vệ đến việc gắn đời sống với bảo quản sâm, bảo vệ rừng. “Có thể giao khoán cho họ chăm sóc, bảo vệ, nếu thu hoạch vượt mức yêu cầu thì họ được hưởng hoặc giao cho họ một diện tích để họ trồng và thụ hưởng; nâng cao kỹ thuật sản xuất, chăm bón, không thể cứ dừng lại ở lối làm thủ công như hiện nay” - ông Đức nói.

Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giao thông cực kỳ hiểm trở, đó là vật cản lớn nhất với sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên đó không phải là tiếng thở dài bó tay, nếu thực sự Nhà nước vào cuộc, xác định đây là cây dược liệu quý cần phải bảo vệ và phát triển căn cơ. Nhớ một nhà nghiên cứu cây dược liệu từ TP.Hồ Chí Minh ra Quảng Nam, đặt câu hỏi: “Hàn Quốc có bao nhiêu sâm mà sao cái gì họ cũng nói có chiết xuất từ sâm, bán chạy khắp thế giới? Một điều chắc chắn là củ sâm của họ không thể trồng khắp cả nước. Vậy làm sao họ làm được điều đó? Do áp dụng trình độ nhân giống công nghệ cao từ phòng thí nghiệm. Sâm Ngọc Linh hoàn toàn làm được như thế, nếu có tiền và sự quyết tâm.

Bao giờ củ sâm Ngọc Linh trở thành thương phẩm phổ biến? Xem ra đường đến còn gập ghềnh.

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quanh quẩn củ sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO