Những người trẻ tuổi, đầy tâm huyết đã dám từ bỏ công việc nơi phố thị để trở về đảo với lý do duy nhất, yêu quê hương cùng niềm khao khát về một sự thay đổi và phát triển của xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An).
Lê Thị Bích Công với lớp học Anh văn miễn phí của mình.Ảnh: VĨNH LỘC |
1. Chưa một ngày qua trường lớp sư phạm nhưng nhiều trẻ em trên đảo vẫn gọi chị là cô giáo. Người có vinh dự tự hào đó chính là Lê Thị Bích Công (1992), người con của xã đảo Tân Hiệp. Sau gần 9 năm xa quê (3 năm vào Hội An trọ học THPT, 4 năm học Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và gần 2 năm đi làm), đầu năm 2016 Công quyết định quay về Cù Lao Chàm. Công việc đầu tiên của cô gái trẻ Lê Thị Bích Công khi về đảo là tập hợp trẻ em con các ngư dân lại để dạy tiếng Anh miễn phí và dọn vệ sinh bãi biển mỗi chiều thứ 7. Đều đặn tối hàng tuần, 20 em từ lớp 1 đến lớp 4 được chia thành 2 nhóm (nhóm chưa biết tiếng Anh và nhóm đã biết tiếng Anh) đến lớp để cô Công dạy. Lớp học là một căn phòng nhỏ khoảng 6m2, chỉ để lọt 3 chiếc bàn vuông do xã cho mượn gần khu bán hàng lưu niệm Bãi Làng. Dù mới đi vào hoạt động 2 tháng nhưng lớp học đã tạo nên không khí mới cho trẻ em nơi đây. Mỗi tối đi ngang qua lớp, nghe tiếng ê a của các em tập dịch chữ đánh vần càng thấy việc làm của Công thật ý nghĩa.
Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp nhìn nhận, việc quay về đảo của các bạn trẻ không chỉ đã thể hiện sức hút của Cù Lao Chàm trong việc tạo ra những cơ hội mới khi du lịch phát triển mà còn thể hiện sự khao khát cống hiến và dám dấn thân của nhiều bạn trẻ cho sự phát triển của quê hương xã đảo Tân Hiệp. “Chúng tôi đánh giá cao tâm huyết của những bạn trẻ khi quyết định gắn kết với quê hương. Bên cạnh đó, địa phương luôn tạo điều kiện để các bạn phát huy năng lực, xem đây là hạt nhân tương lai cho sự phát triển của xã đảo” - ông Dũng cam kết. |
Không chỉ dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, với mong ước làm cầu nối với du khách, ban ngày Lê Thị Bích Công đã tận dụng phòng dạy học của mình làm văn phòng thông tin du lịch cho khách, chủ yếu là khách đi lẻ nhằm giúp du khách tránh khỏi nạn cò mồi, giúp môi trường du lịch trên đảo văn minh hơn. “Khách sẽ được tư vấn các dịch vụ, điểm tham quan trên đảo như đi xe máy, xe đạp hay đặt chỗ ở homestay. Tôi cũng sẽ liên hệ những dịch vụ khác nếu khách cần. Tôi muốn văn phòng như là trung tâm kết nối giữa người dân và du khách, tránh tình trạng cò mồi, giành khách. Nhiều người nói tôi khùng, nhưng thật ra tôi không phải cần tiền nhiều vì mình chưa có gia đình nên chủ yếu làm cho vui và tạo thêm cơ hội cho bà con trên đảo, nhất là những khu vực cách xa trung tâm Bãi Làng nên tâm trạng luôn thoải mái không lo lắng điều gì” - Công tâm sự.
Dù vậy, trước sự phát triển du lịch ồ ạt trên đảo, Lê Thị Bích Công cũng không giấu được những trăn trở, trong đó việc người dân làm hướng dẫn viên du lịch tự phát, không có thẻ hoặc chưa qua trường lớp chuyên môn, dẫn đến chất lượng phục vụ khách hạn chế. “Nguy hại nhất là người dân sẽ suy nghĩ đơn giản rằng, không cần học cao vẫn có thể tìm một công việc tốt, có thu nhập trên đảo nên không muốn cho con cái học nhiều, thậm chí là muốn con nghỉ học sớm để đi làm hướng dẫn viên hoặc tham gia các hoạt động du lịch khác để kiếm tiền” - Công lo lắng.
2. Lê Thị Bích Công chỉ là một trong hàng chục bạn trẻ quyết tâm từ bỏ công việc ở đất liền quay về đảo sau khi tốt nghiệp đại học. Trong số đó, nhiều bạn đã trưởng thành và đang được tín nhiệm giao đảm nhận những vị trí quan trọng tại địa phương. Điển hình, có thể kể đến Mai Quốc Bảo và và Nguyễn Thị Diệu Hiền, cả hai đều sinh năm 1989. Trong đó, Mai Quốc Bảo, đang là Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp. Tốt nghiệp ngành viễn thông, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, năm 2014 Bảo quay về đảo vì môi trường sống, làm việc ở thành phố ngột ngạt, thời gian làm việc căng thẳng. “Thực tế, khi mới vào đại học tôi nghĩ sẽ không quay về nhưng rồi qua thời gian sống và học ở thành phố tôi nhận ra rằng môi trường nơi đây không hợp với mình. Trong khi đó, Cù Lao Chàm đang ngày phát triển, lúc đầu tôi có đôi chút phân vân nhưng được sống và làm việc tại quê hương có những ý nghĩa riêng” - Bảo nói.
Quay về đảo, Mai Quốc Bảo được bố trí làm văn phòng rồi Trưởng ban quản lý du lịch xã, đến tháng 6.2016 thì được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp. Dù công việc suôn sẻ nhưng trong anh vẫn luôn trăn trở những khó khăn mà Cù Lao Chàm đang đối diện. Đó là giao thông đi lại giữa đảo và đất liền cách trở, nhất là trong mùa mưa bão hay trường hợp người dân đau ốm; rồi chất lượng sản phẩm du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống của người dân trước cơ chế thị trường. “Muốn cho đảo phát triển tốt, trước hết phải chủ động về vấn đề xử lý môi trường, nâng cao ý thức người dân và giữ gìn bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm một số dịch vụ mới để thu hút khách vì chúng ta không thể mãi bám vào tài nguyên thiên nhiên” - Bảo phân tích.
Còn với Nguyễn Thị Diệu Hiền, Phó ban Quản lý du lịch Cù Lao Chàm, tốt nghiệp Đại học kinh tế Đà Nẵng loại giỏi, con đường quay về đảo của Hiền xuất phát từ mong ước được đóng góp chút kiến thức của mình để giúp cho ngư dân trên đảo có cuộc sống ổn định hơn từ du lịch. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hiền có một công việc khá tốt tại Ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh Hội An, nhưng điều đó vẫn không thể cản bước cô gái trẻ quay về. Và đến bây giờ Hiền vẫn không hối tiếc vì quyết định này. “Tôi học chuyên ngành về du lịch nên nếu làm ở đảo sẽ có khả năng vận dụng kiến thức của ngành mình học vào thực tế. Hiện nay, du lịch Cù Lao Chàm đang có nhiều vấn đề lớn cần sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và cộng đồng” - Hiền chia sẻ.
VĨNH LỘC