Anh Bốn cặm cụi với chiếc xe cày đẩy tự chế, tới lui theo dọc luống đậu, mải miết rãy cỏ. Chiếc vành xe đạp làm bánh đà phía trước đã bám đầy đất, tay đẩy có vẻ nặng nề. Rẹt! Rẹt! Rẹt!. Từng nhịp theo bước chân. Những luống đậu phụng lá lên xanh quẹt vô ống chân trần, ram ráp. Chu cha! Trồng đậu cực thấy ông bà cố tổ. Cuối năm, chắc phải đổi một nửa diện tích qua trồng rau sạch. Nghe nói mấy thứ rau trồng thủy canh trong nhà lưới, mang ra Đà Nẵng bán được giá lắm. Mải suy nghĩ chuyện làm ăn, anh Bốn không nghe tiếng người gọi trên bờ.
- Ươ! Ba thằng Bim! Nghỉ chút nói nghe nè!
Chị Bốn dừng xe máy đứng trên đường, giơ tay vẫy vẫy. Trời ơi! Ham công việc gì mà ham quá, không nghe thấy trời trăng gì hết. Ông chồng nhà ni, nếu không có tật hút thuốc rê hôi rình thì đạt chuẩn “người chồng mẫu mực”. Gọi mấy tiếng nữa, vẫy tay mấy cái nữa, cuối cùng chị xắn quần chạy hẳn xuống ruộng. Bị đập một phát lên vai, anh Bốn giật mình dừng lại:
- Chi vậy?
- Mải mê nghĩ tới con mẹ mô? Em gọi rát họng không nghe!
- Con mẹ tiền chứ con mẹ mô! Có chuyện chi?
Anh bước tới chỗ để bình nước đá, ngửa cổ ực một ly, mắt không rời nhìn mặt vợ. Bữa nay mụ có vẻ lo lắng dữ hè.
- Thím Ba bả đòi vô trong này anh ạ!
- Vô mần chi?
- Thì vô ở chứ mần chi. Chắc thím lại đòi hỏi chia đất?
Anh Bốn cào mớ tóc rậm đầy bụi, lắc đầu:
- Đất đai nhà cửa, hồi chú Ba còn sống, ổng giao hết cho tụi mình rồi mà!
- Ai biết đâu!
Sáng nay, chú Đức con trai thím Ba gọi điện vô.
- Mẹ em muốn vô quê chơi ít ngày. Mà tụi em bận công việc bù đầu không đưa đi được. Thứ Bảy này, anh chị ra sân bay đón mẹ giúp em nhá!
Chị Bốn nói với chồng:
- Hôm ấy chắc ba thằng Bim chịu cực chạy xe máy đi đón thím. Từ Điện Bàn ra Đà Nẵng cũng gần mà! Chứ xe buýt thì tiện, nhưng bả đâu biết đường!
Anh Bốn lại nắm lấy cái cày đẩy, lúi húi làm tiếp.
- Cứ để đó! Tui đi xe buýt ra đón thím. Chạy xe máy phức tạp lắm.
Trong họ, vợ chồng anh Bốn ớn nhất bà thím dâu người Phú Thọ. Không phải bả độc ác, nanh nọc chi, mà cái tính người Bắc của bả còn nặng phong kiến, chi li tính toán. Nghe chú Ba kể lại, hồi tập kết ra ngoải, về làm rể Phú Thọ chú nhịn vợ như nhịn cơm sống. “Đàn bà chấp chi con ơi!”. Chú hay nói với con cháu vậy. Bà thím có tật bực mình lên là chửi, mà chửi có bài bản, vần vè hẳn hoi. Chửi từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, nghe ù tai thì thôi. Hồi mới giải phóng, chú Ba và hai đứa con lớn về thăm quê, nhưng bà thím nhất định không đi.
- Tôi chả dại đâm đầu về trong ấy! Lỡ còn bọn tàn quân nó bắn chết à?
Chú Ba cũng chỉ cười khì. “Đàn bà chấp chi!”.
Mãi năm “tám mốt”, thím Ba mới về thăm quê chồng. Anh Bốn hồi đó còn nhỏ, đứng ngó chăm chăm người phụ nữ quần thâm áo nâu, răng đen nhánh và miệng đỏ nước quết trầu. Vừa vô tới, kịp hỏi thăm ba má mất năm nào, thờ cúng ở đâu, bà vội mang bông trái đi thắp nhang. Xong bữa cơm trưa, bà thím ngồi nhai trầu rồi hỏi:
- Chứ phần đất, nhà cửa của anh Ba nhà tôi đâu?
Ông Hai hồi đó còn sống, ngỡ ngàng với người em dâu.
- Đất đai hương hỏa ông bà để lại thì còn đó. Từ hồi chú Ba nó đi tập kết, tui với cô Bốn, chú Út canh tác, giữ gìn, xây cất nhà cửa cho con cháu nó ở. Chú Ba đi hơn hai mươi năm, ai biết đâu mà cất nhà cho nó.
- Nhưng phần đất thừa kế, vợ chồng em phải có chứ?
Thấy em dâu quyết liệt, ông Hai bảo sẽ bàn với mọi người cắt chia cho em trai một phần. Ai dè ông Ba không nhận, còn chửi vợ búa xua.
- Bà sợ chết không có đất chôn hả? Tui với lũ trẻ ở ngoài đó rồi, về quê giành đất làm chi nữa?
Bà thím tự ái, đùng đùng đòi ra Bắc, còn nói không bao giờ thèm về Quảng. Rồi suốt mấy chục năm qua, chỉ có ông Ba với mấy đứa con lâu lâu vô thăm quê nhân ngày giỗ ông bà. Năm ngoái, ông Ba mừng thọ 90 tuổi được mấy tháng thì kêu mệt, nằm đúng mười ngày rồi thanh thản nhắm mắt. Trước khi lìa đời, ông trách vợ:
- Bà có lỗi với họ hàng nhà chồng…!
Rồi thím Ba xuất hiện ở quê chồng. Gần bốn mươi năm trôi qua, cảnh vật bây giờ khác hẳn. Ở vùng quê mà nhà cao tầng lớp lớp, tường rào hoa lá mướt mắt, có nhà đậu xe hơi mắc tiền trong sân. Anh em bên nhà chồng, ai cũng nhà cao cửa rộng, nụ cười sáng láng trên mặt. Chỉ có vợ chồng nhà Bốn là còn tuềnh toàng nhà mái tôn, sân đất bên rặng dừa cũ. Vì nhà ấy phải nuôi tới hai đứa học đại học, một trong Quy Nhơn, một tuốt Sài Gòn. Con nhỏ út đang học lớp 12, mà lại học giỏi, cũng đang nhăm nhe trường đại học sư phạm. Hai vợ chồng cười như mếu. Con người ta đậu đại học thì mừng, còn nhà nó lo méo mặt.
Bà thím hồi nay già sọm, không nhận ra như hồi năm “tám mốt”. Áo quần giờ sang trọng, lịch sự hơn, nhưng mái đầu phơ phất lau trắng, đôi mắt trũng sâu u buồn, cứ nhìn chăm chăm về phía nhà từ đường. Chị Bốn, nhân lúc làm thịt gà sau bếp, ghé tai chồng hỏi nhỏ:
- Ba thằng Bim! Hình như thím Ba muốn đòi chia đất! Thấy bả nhìn miết về phía nhà từ đường.
- Bả muốn thì chia cho bả phần chú Ba. Thửa đất nhà cô Huệ con thím Bốn Liên bỏ không đó. Bả thì chết rồi, con Huệ lấy chồng nước ngoài không về nữa. Tui bàn với mọi người cho thím Ba chỗ đó cũng được.
- Liệu thím có chịu hông đây? Mà thôi kệ bả! Hồi chú Ba còn sống, ổng có nói giao hết cho vợ chồng mình mà.
- Hông được mô! Ổng nói miệng vậy, chớ trên thủ tục pháp lý, vợ chồng con cháu chú Ba vẫn được thừa kế. Má thằng Bim đừng nói gì hết! Để tui tính!
Anh Bốn chở xe đưa bà thím khó tính đi thăm hết nhà bà Mười bên ngoại năm nay chín mươi hai tuổi, sang tới nhà con Bé Sang mới lấy chồng sinh con đầu lòng, là cháu nội chú Út. Tới đâu bà thím cũng một vẻ mặt buồn khó đăm đăm, nhưng tuyệt đối không nhắc tới chuyện chia đất hương hỏa. Kiểu như tôi không thèm đòi hỏi, xin xỏ chi hết. Mấy người cứ đúng đạo nhà, phép nước mà làm. Bữa thím Ba dự bữa cơm thân mật với dòng họ nội để về Bắc. Anh Bốn mới nhân tiện đề nghị với mọi người trao ba sào đất và ngôi nhà của con gái bà Bốn Liên đang định cư ở nước ngoài cho thím Ba và các anh chị ngoài Phú Thọ. Một nụ cười thoáng qua nở trên môi bà thím, vẻ như mãn nguyện.
- Ôi dào! Người còn chả tiếc nữa là đất!
Thím Ba buông thõng một câu như vậy. Thím về Bắc rồi, mấy anh chị em, con cháu bên họ nội thấy trong lòng thanh thản, vì đã trao được phần đất ông bà cho gia đình chú Ba. Vợ chồng nhà Bốn năm nay chuyển nửa diện tích đất ruộng sang trồng rau sạch, lời lớn. Thấy làm ăn được, sẽ bỏ đậu chuyển hết sang trồng rau, nhưng phải thuê thêm người làm chứ hai vợ chồng lăn tối ngày không xuể.
Chiều xuống, anh Bốn đang loay hoay chỉnh lại hệ thống ống dẫn nước tưới trong ruộng rau, thì chuông điện thoại reo.
- Ba thằng Bim về liền đi, em bàn chút chuyện! Thím Ba yếu lắm rồi!
Nghe vợ thông báo, anh Bốn lật đật chạy về.
- Thím Ba bệnh hả?
- Dạ! Chú Đức mới điện vô nói bà yếu lắm rồi, chỉ chờ bên nội ra thôi!
- Thôi để tui nhờ vợ chồng con Bé Sang nó chăm ruộng rau cho ít bữa. Vợ chồng mình phải ra Bắc liền. Nghĩa tử là nghĩa tận. Kẹt cái là chưa làm xong bằng khoán thửa đất cho thím Ba, không thì mang ra đưa thím cho bả biết.
Cả đoàn bảy người đi xe giường nằm ra Bắc. Họ chọn đi xe khách, vì xe này chạy từ chợ Điện Ngọc ra thẳng thị trấn Phong Châu, chạy ngang nhà thím Ba. Khỏi phải mất công đón xe ra sân bay Đà Nẵng, rồi lại bắt xe từ sân bay Nội Bài về Phú Thọ. Bà thím người xanh lợt lạt, nằm mở mắt nhìn con cháu bên chồng mà không nói được gì. Anh Bốn cúi xuống, nói nhỏ:
- Thím ơi! Con có lỗi vì chưa làm xong giấy tờ đất đai cho thím! Mai mốt con sẽ chuyển tên cho em Đức…
Cậu Đức người phờ phạc vì cả đêm đi chuyên án, vớ điếu cày rít một hơi, rồi quay qua nói:
- Vừa rồi bà em dở chứng, cứ nằng nặc đòi vào quê nội để thăm viếng từ đường và họ hàng. Còn đất đai bà em không nhận đâu. Mấy hôm trước còn nói được, bà dặn nếu gặp anh Bốn nói lại như thế.
Anh Bốn đưa tay lên chùi nước mắt. Thím Ba ơi! Vậy là tụi con hiểu lầm thím rồi.
Quê Bắc đang vào đông, trời đã bắt đầu lạnh. Một bếp lửa ngoài trời được đốt lên bằng những gộc cây bạch đàn khô, cháy rừng rực. Con cá chim vừa câu dưới ao lên, to bằng chiếc nón. Mùi cá nướng thơm khét, ly rượu nồng cay qua những bàn tay nối tiếp. Anh Bốn rưng rưng:
- Rồi thím cũng theo chú! Sau này anh em mình ráng đi lại cho tình cảm hai miền gắn bó, hén chú Đức.
Cậu Đức im lặng tay cầm que khều bếp lửa. Hàng ngàn tia lửa than bắn lách tách rồi tan vào đêm.