Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628 - 1715) là bậc danh tăng người Quảng Nam. Tổ tịch của ngài ở Nghệ An nhưng từ đời Tằng tổ đã đến Quảng Nam sinh sống. Song quê quán cụ thể của ngài ở đâu trên đất Quảng vẫn là vấn đề cần tìm hiểu.
Các ý kiến khác nhau
Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục chép về thân thế, hành trạng của Thiền sư Minh Châu Hương Hải khá đầy đủ. Dựa vào đó, nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận (1978); Thích Thanh Từ trong Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải (1999); Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Minh Châu Hương Hải (2000)... đều nhất quán về quê hương của ngài là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa, nhưng chưa xác định làng đó thuộc địa phương nào hiện nay.
Năm 2015, Đại đức Thích Đồng Dưỡng căn cứ bản Hương Hải thiền sư ngữ lục mới phát hiện cùng địa bạ xã Bình An Thượng mà xác định địa giới làng đó nay thuộc về thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Sử liệu về Thiền sư Minh Châu Hương Hải, Liễu Quán, số 4).
Năm 2016, tác giả Lê Thí có bài “Vị cao tăng người Quảng” trên Báo Quảng Nam (https://baoquangnam.vn/nhan-vat/vi-cao-tang-nguoi-quang-40542.html), viết Thiền sư Hương Hải quê ở làng Bình Yên thượng, huyện Lễ Dương (nay là xã Bình Dương, Thăng Bình), nhưng không trưng ra sử liệu cho biết đã dựa vào đâu để xác quyết. Đây là ý kiến mới, khác biệt với Đại đức Thích Đồng Dưỡng.
Làng Bình An Thượng từ thời chúa Nguyễn đến thời vua Gia Long
Ngoài Hương Hải thiền sư ngữ lục thì tấm bia Tổ sư bi ký (1715) cũng xác nhận: “Xưa quê cũ vốn ở làng Áng Độ tỉnh Nghệ An, sau đó cụ cao tổ dời làng cũ đến sinh sống ở xã Bình An Thượng thuộc Chu Tượng phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam” (Ký hiệu thác bản 3743).
Chi tiết “xã Bình An Thượng thuộc Chu Tượng (舟匠屬) phủ Thăng Hoa” là cứ liệu quan trọng nhất giúp khu biệt làng Bình An Thượng trong hàng chục danh xưng Bình An trùng lặp khác ở Quảng Nam thời chúa Nguyễn.
Theo Phủ biên tạp lục, thuộc Chu Tượng có 62 đơn vị là các làng chuyên nghề đóng thuyền như Thạch Tân (Tam Kỳ), Ngọc Sơn (Thăng Bình), Cẩm Sơn (Duy Xuyên), Đồng Tràm (Quế Sơn)... Trong đó không chép xã Bình An Thượng nhưng có 4 làng cùng tên Bình An gồm Bình An Trung xã, Vi tử Bình An Lạc phường, Bình An Cựu và Bình An.
Hơn nữa, lại thấy tên xã Bình An Thượng trong thuộc Hà Bạc. Có lẽ do điều này, cộng với việc sách Kiến văn tiểu lục chỉ đề làng Bình An Thượng nằm chung chung trong phủ Thăng Hoa nên nếu chỉ tra sách Phủ biên tạp lục thì rất dễ nhầm quê hương của Thiền sư Minh Châu Hương Hải là Bình An Thượng của thuộc Hà Bạc.
Đến đầu triều Nguyễn, thuộc Chu Tượng còn 25 làng, trong đó lại có xã Bình An Thượng thuộc về tổng Ngọc Sơn: Tất cả bổn xã, Xã trưởng Ngao Nguyễn Văn Khách, Hương mục Nguyễn Văn Toàn, Lê Văn Nghiêm xã Bình An Thượng, tổng Ngọc Sơn, thuộc Chu Tượng, phủ Thăng Hoa (Địa bạ xã Bình An Thượng, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, ký hiệu 11991/1). Điều này cho phép đặt nghi vấn về việc sao chép nhầm tên xã Bình An Thượng (?) trong sách Phủ biên tạp lục.
Theo địa bạ, làng Bình An Thượng gần 25 mẫu, giáp các làng Câu Lâu, Lang Châu (Duy Phước, Duy Xuyên), Mỹ Xuyên (Nam Phước, Duy Xuyên), Đông An (Điện Phương, Điện Bàn) cùng với các xứ đất Phù Sa Thượng, Cồn Chùa, Mỹ Khê Thượng, Trung Giang Thượng... và mặt bắc giáp sông lớn.
Bên kia sông ở phía bắc là khu vực tọa lạc của Dinh trấn Thanh Chiêm và trụ sở các cơ quan công quyền, văn hóa - giáo dục... Bình An Thượng là ngôi làng nhỏ nằm sát bên bờ nam sông Thu Bồn, trong cụm làng đóng thuyền gồm Hoa Trà (sau đổi thành Phương Trà), Thi Lai - Hà Mật (Điện Phong, Điện Bàn). Có thể thấy, Bình An Thượng là cơ sở đóng thuyền quan trọng của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong và cả dưới triều Nguyễn.
Xét thêm thuộc Hà Bạc đầu thế kỷ 19, thấy có Bình An Thượng xã Hà Bạc thôn mà không có Bình An Thượng xã. Theo mô tả tứ cận trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Dinh Quảng Nam II (trang 115) thì làng này nay thuộc xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, giáp giới với làng Lạc Câu cùng xã, làng Tân An (Bình Minh, Thăng Bình) và hai thôn Tây Sơn Đông, Tây Sơn Tây (làng Đông Sơn xưa, xã Duy Hải, Duy Xuyên).
Làng nằm ven biển, rộng hơn 510 mẫu nhưng đất hoang hóa và cát trắng chiếm gần hết. Do đó, cần phân biệt rõ Bình An Thượng của thuộc Chu Tượng và Bình An Thượng Hà Bạc thôn để xác định được đâu là quê hương của Thiền sư Hương Hải.
Từ khi đổi tên thành Thượng Bình cho đến nay
Năm 1827, thuộc Chu Tượng bị xóa bỏ. Đến năm 1836, khi huyện Quế Sơn được lập thì Bình An Thượng thuộc về huyện Quế Sơn, phủ Thăng Hoa (thời Thiệu Trị đổi thành Thăng Bình). Đến thời vua Đồng Khánh, Bình An Thượng đã đổi thành Thượng Bình (Đồng Khánh địa dư chí), do là lệnh kiêng húy chữ An. (Một số làng khác của thuộc Chu Tượng có chữ An cũng đều bị đổi tên như Phước An thành Phước Lộc, Phú An Thượng/Hạ thành Phú Thứ Thượng/Hạ).
Trên tấm Bản đồ chiến sự Đà Nẵng năm 1859, xã Thượng Bình nằm ngay bờ nam sông Thu Bồn, cùng với làng Câu Lâu, Mỹ Xuyên Đông và phía bắc giáp sông, rất trùng khớp với mô tả của xã Bình An Thượng theo địa bạ. Điều đó củng cố cho việc đổi tên làng từ Bình An Thượng thành Thượng Bình.
Vào năm 1888, tổng Ngọc Sơn bị xóa bỏ. Từ đây, xã Thượng Bình chính thức chuyển từ huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình được sáp nhập về huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (Đại Nam thực lục).
Sang đầu thế kỷ 20, huyện Duy Xuyên được đổi thành phủ Duy Xuyên, quản hạt 10 tổng, 155 xã. Lúc đó, xã Thượng Bình thuộc về tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên.
Làng Thượng Bình nằm sát bên bờ sông, vào những trận lụt lớn, thường bị sạt lở. Do vậy, phần lớn diện tích đất của làng hầu như đã tan vào dòng chảy của sông Thu Bồn. Dân làng di trú vào sống tại các làng lân cận, họ cùng với dân Câu Quảng nhập tịch xóm An Bình, xã Xuyên Mỹ.
Trên bản đồ khu vực Hội An năm 1965 - 1970, tỷ lệ 1:50.000, không còn thấy tên Thượng Bình, mà chỉ có ấp Bình An (https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/hoi_an-6640-1.pdf). Sau năm 1975, thành lập thôn Tiệm Rượu thuộc xã Duy An, nay là khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Như vậy, dựa vào nhiều nguồn sử liệu, chúng tôi xác định quê hương làng Bình An Thượng thuộc Chu Tượng, phủ Thăng Hoa thời chúa Nguyễn của vị danh tăng Minh Châu Hương Hải nay thuộc khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Kết quả nghiên cứu này giúp đính chính thông tin thiếu chính xác về quê hương của Thiền sư Hương Hải: không phải là xã Bình An Thượng, thuộc Hà Bạc (thời chúa Nguyễn) hay Bình An Thượng xã Hà Bạc thôn (đầu triều Nguyễn) và vì vậy, không phải nằm ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình ngày nay.