Người Quảng Nam

Quê hương trong tim người xa xứ...

Ký của ĐINH LÊ VŨ 14/09/2024 08:15

Quê hương, bằng một cách nào đó, vẫn luôn hiện hữu trong tim họ. Nó là nỗi nhớ, là khát khao về thăm, là những đôi mắt sáng lên lấp lánh khi nói chuyện về Việt Nam...

1e3d3c3f30d0978ecec1.jpg
Tác giả (thứ 2, từ trái sang) hội ngộ cùng một gia đình người Hội An tại Mỹ.

1. Khoa, 49 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hội An, theo gia đình đi định cư ở Mỹ từ năm 1993, lúc đó mới 17 tuổi. Năm 2000, Khoa về Việt Nam, cưới Bi, là bạn cùng lớp, cũng là bạn gái của Khoa từ thời học trò, năm 2002 thì đưa vợ qua Mỹ định cư.

Thời gian đầu, hai vợ chồng ở chung với gia đình ba mẹ Khoa, 3 năm sau thì tách ra mua nhà ở riêng. Căn nhà ở Boston là căn nhà đầu tiên và duy nhất hai vợ chồng mua từ năm 2005, ở từ đó đến bây giờ.

Thời gian đầu ở Mỹ của Khoa khá vất vả. Khoa học đại học ngành kiến trúc đến hết năm thứ 2 thì bỏ đi làm nails, bởi làm nails lúc đó kiếm được nhiều tiền. Ban đầu, Khoa chưa có ý định làm nails, chỉ ra tiệm của ba mẹ phụ giúp, sau đó bị cuốn vào lúc nào không hay.

Khoa làm nails khá thành công, đã từng có tiệm nails riêng, nhưng tới năm 2017 thì chán, sang lại tiệm, chuyển sang làm thợ lắp đặt ống nước, thấy thoải mái hơn.

Ở Mỹ, có làm nghề nào, dù là nghề lao động chân tay thì cũng phải học nghề, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Làm nghề mà không có chứng chỉ, cảnh sát bắt, phạt chết.

Bi theo chồng qua Mỹ chỉ đi học, sau đó đi làm, hiện làm trợ lý ở một phòng khám nha khoa, công việc cũng ổn. Khoa và Bi có hai con: Vân Anh, con gái lớn, còn có tên Mỹ là Kathryn, 16 tuổi, và Khan, con trai, tên Mỹ là Anthony, 12 tuổi. Tên Mỹ là chỉ để dùng ở trường. Ở nhà, thì gọi nhau bằng tên Việt.

Nhà Khoa có một mảnh vườn nhỏ, trên đó có một khoảnh đất Khoa trồng hầu hết loại rau Việt, từ rau thơm, húng quế, hành ngò, tía tô, xà lách cho đến ớt hiểm. Boston quanh năm trời mát như Đà Lạt nên cây cỏ xanh tốt, nhưng đến mùa đông thì khác hẳn. Tuyết rơi trắng xóa.

Ngay từ lúc có con, Khoa với Bi quyết định là ở nhà chỉ nói tiếng Việt, để hai con có thể học nói tiếng Việt. Việc này chỉ thực hiện được triệt để lúc Vân Anh và Khan còn nhỏ, nhưng khi hai đứa lớn lên, bắt đầu học tiểu học, trung học thì không còn khả thi nữa.
Mỗi lần nói tiếng Việt, hai đứa phải mất vài giây để suy nghĩ tìm cách trả lời ba mẹ, nên sốt ruột quá, khi nào cần trao đổi nhanh, Khoa với Bi đành nói tiếng Anh với hai con.

Kết quả là Vân Anh và Khan đều hiểu tiếng Việt nhưng chỉ Vân Anh mới có thể trả lời được một ít bằng tiếng Việt, Khan thì chỉ nói tiếng Việt lúc có nhu cầu khẩn cấp.

Ở Boston, vợ chồng Khoa - Bi có một nhóm bạn người Việt, quen biết nhau từ mười mấy năm trước, chơi thân với nhau như người trong gia đình. Vào những ngày cuối tuần, nhóm bạn này thường tụ họp với nhau, tiệc tùng, ăn những món ăn Việt, nói chuyện Việt Nam, hát hò những bài hát Việt.

2. Ở Boston, món ăn Việt không thiếu thứ gì, từ bún bò, bún cá, phở, miến, mỳ Quảng, cao lầu… Mùa đông thường tụ họp nhau nhiều hơn, vì mùa đông, trời lạnh cóng, ở nhà thì buồn, lại không làm gì được, nên hay hẹn gặp nhau. Khoa kể: Ở bên này, mùa đông buồn lắm, anh em không hẹn gặp nhau ăn uống, hát hò thì biết làm gì.

Lâu lâu, mọi người cũng có bạn bè, người thân từ Việt Nam qua chơi. Những lúc như vậy, vui lắm. Hẹn hò nhau tụ tập suốt. Bất kể là bạn bè, người quen của ai thì cả nhóm cũng tụ họp. Để hỏi thăm chuyện quê nhà, để nói cười bằng tiếng Việt cho thỏa.

f645d1bfde50790e2041.jpg
Áo dài Việt của những cô gái gốc Hội An tại Mỹ.

Cả gia đình của Khoa đều sống gần nhau, xúm xít quanh Boston. Nhà em trai út của Khoa ngay sát bên cạnh, mẹ của Khoa ở chung với vợ chồng em trai út. Cô Hương, mẹ Khoa, năm nay chừng bảy mươi, vẫn còn khỏe lắm. Cô cũng có một khoảnh đất nhỏ trong vườn trồng đủ loại rau Việt. Cô còn trồng cả lá gai để lâu lâu làm bánh ít lá gai.

Cô vốn khéo tay, nấu được nhiều món Việt, cô còn làm được từ chả gà, chả cá, cả heo, đến bánh bột lọc, bánh nậm, nấu chè… Mấy ngày chúng tôi lưu lại nhà Khoa, cô hay qua hỏi chuyện Hội An, hỏi thăm những người quen cũ, cho chúng tôi ăn đồ ăn Việt, làm chúng tôi thấy ấm áp như ở nhà.

Ngoài Boston, chúng tôi còn ghé thăm anh Linh - chị Mẫn, một gia đình Hội An khác ở Chicago. Anh Linh và chị Mẫn mới qua đây chừng mấy năm thôi, sau khi nghỉ hưu ở Việt Nam.

Anh chị đang sống với gia đình con gái, phụ giúp con gái chăm cháu. Vợ chồng con gái của anh chị có mấy tiệm nails ở Chicago, lại sở hữu một cửa hàng chuyên cung cấp thiết bị ngành nails nên đi làm từ sáng đến tối mịt. Ngày nào cũng như ngày nào.

Tây, con rể anh chị, mới ngoài ba mươi, tâm sự với chúng tôi: Ở bên này, ai cũng bận tối mặt tối mũi hết. Ba mẹ qua hơn 3 năm rồi mà con chưa thu xếp được để dẫn ba mẹ đi chơi một chuyến.

Ở đây nếu không cày thì tiền đâu mà trang trải các loại bill hằng tháng, các loại thuế đóng cho chính phủ. Xã hội Mỹ có chế độ an sinh xã hội khá tốt cho người dân, bù lại, khi còn đi làm được thì phải đóng thuế cao ngất. Nên người ở Mỹ lâu đều hiểu: Không có cái gì miễn phí cả.

Cháu ngoại gái của chị Mẫn, chừng 3 tuổi, nói tiếng Việt tiếng Anh ngọng nghịu xen kẽ, nhưng có thể hát karaoke tiếng Việt khá sõi. Talia có thể hát trọn vẹn: Con cò bé bé… hay Một con vịt xòe ra hai cái cánh, thậm chí còn hát được theo mẹ mấy câu: Cô đơn trên sô pha, con tim như tan ra… rất sõi.

Những gia đình Hội An định cư ở Mỹ tôi từng được ghé thăm, nhà nào cũng có dàn karaoke âm thanh cực xịn để hát với nhau trong những cuộc họp mặt bạn bè, những cuối tuần gia đình sum vầy bên nhau.

3. Những ngày chúng tôi lưu lại Chicago, có gia đình hàng xóm cũ của chúng tôi ở Hội An, cô Oanh - chú Luận, thấy tin trên Facebook, đã liên lạc và lái xe gần hai tiếng đến Chicago mời chúng tôi đi ăn. Cả nhà cô chú qua Mỹ định cư theo diện H.O. từ những năm 90.

Cuộc hội ngộ sau gần 30 năm vô cùng ấm áp và cảm động. Việc cô chú và hai con gái lái xe một quãng đường khá dài chỉ để gặp một người hàng xóm Hội An mấy chục năm không gặp, để hỏi thăm về Hội An làm chúng tôi nhận ra: xa quê, tình đồng hương là một thứ tình cảm đầy sẻ chia, đôi khi, đó còn là một khao khát.

76912893277c8022d96d.jpg
Hội ngộ người Hội An tại Mỹ trước một trung tâm chăm sóc nail khá lớn do người Việt làm chủ.

Gặp gỡ những đồng hương Hội An ở Mỹ, hay bao quát hơn một chút, gặp gỡ những người Việt Nam ở Mỹ, tôi thấy có điểm chung: Dù họ xuất thân có khác nhau, chính kiến khác nhau, lý do ra đi cũng khác nhau, nhưng quê hương, bằng một cách nào đó, vẫn luôn hiện hữu trong tim họ.

Nó là nỗi nhớ, là khát khao về thăm, là những đôi mắt sáng lên lấp lánh khi nói chuyện về Việt Nam. Nó là những buổi họp mặt để chat chít, tán gẫu với nhau những câu chuyện Việt Nam, hát những bài hát Việt, thưởng thức những món ăn Việt, đôi khi là quãng đường chạy xe mấy tiếng đồng hồ để gặp nhau thăm hỏi, gởi những món quà nho nhỏ về tặng người quen ở Việt Nam.

Họ vẫn luôn hăng hái share với nhau, thả tim, bấm like nhau trên Facebook từng tấm hình bạn bè, người thân có dịp về thăm chụp ảnh ở quê nhà. Trong thâm tâm họ luôn đau đáu tình hình Việt Nam.

Nó đôi khi còn là niềm vui khi khoe với nhau rằng: con tôi, cháu tôi nói tiếng Việt sõi lắm, hay niềm tự hào ngập tràn trong mắt khi đứa cháu gái ba tuổi sinh ra ở Mỹ nhưng có thể hát karaoke trọn vẹn, tròn vành rõ chữ: Con cò bé bé, Một con vịt xòe ra hai cái cánh…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quê hương trong tim người xa xứ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO