(QNO) - Mỗi người sinh ra đều gắn bó với một quê hương, chính vì vậy, tôi luôn băn khoăn với câu hỏi của con mình “Quê mình phường An Mỹ”.
Câu trả lời: An Mỹ không phải là quê của con nhưng ba mẹ sinh con ở đó, là nơi chôn rau cắt rốn của con, là nơi cơ quan ba đang làm việc kể từ ngày tái lập tỉnh Quảng Nam. Nơi đấy có phủ đường Tam Kỳ, di tích lịch sử cách mạng còn vang chiến công của ngày Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền hào hùng trong cuộc cách mạng Tháng Tám, còn vang trong bài học lịch sử địa phương của con.
Tuy là phường nhưng ở đó có những người dân cần cù, chất phác, thuần hậu, họ đã nhường vườn nhường đất cho nhà nước xây dựng khu dân cư rộng thoáng rợp bóng cây nơi gia đình ta ở. Không những vậy, người dân còn lưu giữ những nghề truyền thống như tráng bánh tráng, làm giá đậu. Dù cuộc ưu sinh còn lắm nhọc nhằn nhưng trong mỗi người đều ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Tôi làm sao quên được, nơi ấy có những người hàng xóm láng giềng tốt bụng chia ngọt xẻ bùi, gắn bó từ nhưng ngày đầu chia tách tỉnh còn nhiều gian khó. Ấy vậy mà gần hai mươi năm An Mỹ thay da đổi thịt từng ngày. Phố xá đông đúc, sầm uất hơn với những con đường rộng mở, sạch và xanh. Không còn những con đường gồ ghề, nham nhở như Điện Biên, Tiểu La, Trần Quý Cáp của bao năm cũ. Thay vào đó là hàng chục con đường đẹp là những phố văn minh như Hùng Vương, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt,,, Còn khu dân cư không chỉ là Tứ Hiệp mà là các khu dân cư mới hình thành như khu dân cư số một, hai, năm, tám, chín, mười…
Với tôi, An Mỹ vừa là quê vừa là phố mà mình phải có trách nhiệm cùng với cộng đồng xây dựng ngày càng phát triển hơn như tên gọi “An Mỹ” của xứ Hà Đông xưa và TP.Tam Kỳ ngày nay.
PHAN QUANG MƯỜI