Quế Sơn chật vật với ngành trồng trọt

QUỐC TUẤN 31/05/2016 08:43

Không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều địa phương khác trong tỉnh nên nhiều năm qua ngành trồng trọt của Quế Sơn vẫn loay hoay trong việc nâng cao giá trị sản xuất trên các diện tích đất canh tác.

Cây sắn là cây trồng truyền thống và chủ lực của Quế Sơn nhưng chưa đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Q.T
Cây sắn là cây trồng truyền thống và chủ lực của Quế Sơn nhưng chưa đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Q.T

Không tạo được sức bật

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong giai đoạn 2010 - 2015, giá trị sản phẩm thu được trên một héc ta đất trồng trọt của huyện Quế Sơn chỉ tăng được khoảng 15 triệu đồng (từ 37 triệu đồng/ha lên hơn 52 triệu đồng/ha). Đây là con số khá thấp, chỉ bằng phân nửa so với các địa phương như Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn (đã vượt hơn 100 triệu đồng/ha). Giá trị sản phẩm thu được trên một héc ta đất trồng trọt của Quế Sơn thấp nhất trong nhóm các địa phương đồng bằng của tỉnh, thậm chí chỉ xấp xỉ với một số địa phương như Núi Thành hay Hiệp Đức vốn không mạnh về mảng trồng trọt. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2015 - 2016 vừa qua, kết quả sản xuất nông nghiệp của Quế Sơn cũng không được như kỳ vọng. Thời tiết diễn biến thất thường, năng suất lúa giảm tới gần 14 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết: “Nhiều năm qua nền nông nghiệp của huyện không tạo được khởi sắc bởi vấp phải nhiều trở lực khách quan lẫn chủ quan. Hiện nay địa phương đang cố gắng lập phương án chuyển đổi cây trồng trên các diện tích ruộng không chủ động nước nhưng vẫn chưa đạt được kết quả khả quan”. Được biết, thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến diện tích lúa không chủ động được nước tưới của huyện Quế Sơn đã lên đến 1.000ha trong năm nay.

Về cơ bản, ngành trồng trọt của Quế Sơn chỉ chuyên canh một số loại cây chủ lực truyền thống là lúa, sắn và bắp, những loại khác như khoai lang hay rau, đậu các loại không đáng kể và cũng chưa đem lại giá trị kinh tế cao. Đơn cử như cây sắn, là địa phương có diện tích cây trồng này lớn nhất tỉnh với gần 2.600ha nhưng năng suất sắn bình quân không ổn định, mùa được, mùa mất rất bấp bênh. Ông Võ Ngọc Thịnh (trú xã Quế An, Quế Sơn) bộc bạch, đời sống gia đình ông hầu như phụ thuộc vào việc canh tác 10 sào sắn, như năm ngoái thu hoạch được 12 tấn, bán ra được 18 triệu đồng nhưng năm nay đã 4 tháng trời không có mưa nên nhiều khả năng sản lượng thu hoạch sẽ giảm sút rất nhiều.

Tìm mô hình mới

Với tổng diện tích cây lương thực có hạt khá lớn, đạt hơn 7.400ha, ngành nông nghiệp Quế Sơn cần phải nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống của người dân. Theo ông Nguyễn Quốc Hứa, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Quế Sơn, trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh phối hợp với đơn vị xây dựng mô hình “Trồng sắn thâm canh trên chân đất lúa nước trời” với diện tích 16ha, bước đầu mô hình đã đạt hiệu quả cao, thu nhập trung bình đạt gần 30 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa, mè trên cùng chân đất (chỉ được khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha). Nhưng diện tích chuyển đổi này chưa thấm vào đâu so với con số 1.242ha sắn canh tác trên chân đất không chủ động nước tưới, nếu gặp thời tiết nắng hạn khắc nghiệt thì phần lớn sẽ bị bỏ hoang.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có hai công ty chế biến tinh bột sắn, đây được xem là một lợi thế không nhỏ để ổn định đầu ra cho nông sản. Chiến lược trong thời gian tới là phải quy hoạch, liên kết những vùng sản xuất sắn tập trung để tạo chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Tuy vậy, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn huyện cũng mới chỉ chuyển đổi được 57ha (trong đó nông dân tự chuyển đổi 47ha), chủ yếu là mô hình đậu phụng xen sắn và thu được kết quả tương đối khả quan khi sắn và đậu đều cho năng suất cao hơn canh tác theo tập quán truyền thống. Với cây lúa, dù tích cực áp dụng nhiều mô hình khuyến nông như “cấp 1 hóa giống lúa”, “cánh đồng mẫu”, “cánh đồng kỹ thuật” nhưng do các giống lúa sử dụng khá mẫn cảm với bệnh đạo ôn nên hiệu quả đem lại không cao. Các mô hình IPM hay liên kết sản xuất giống cũng được triển khai nhân rộng, tuy vậy cũng không cải thiện được nhiều giá trị kinh tế mà người dân thu được. Hiện nay, địa phương tích cực thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa ở các xã vùng đông Quế Sơn để tạo thuận lợi trong việc triển khai, thực hiện cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật… nhằm nâng cao giá trị cây lúa.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn chật vật với ngành trồng trọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO