Những năm gần đây, huyện Quế Sơn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thành công mô hình nông thôn mới.
Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ
Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, trước đây làng nghề quấn chổi đót truyền thống Thạnh Hòa có 180 hộ dân tham gia sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu đầu vào không đảm bảo, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn và một số nguyên nhân khác nên nhiều hộ dân bỏ nghề. Khoảng 7 năm trở lại đây, ngành liên quan của Quế Sơn và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân Thạnh Hòa khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống này.
Ông Nguyễn Thế Quang - Bí thư Đảng ủy xã Quế Xuân 1 cho hay, từ nhiều nguồn vốn huy động, xã đã mở rộng và bê tông hóa trục đường chính dẫn vào làng nghề chổi đót Thạnh Hòa với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng để thuận tiện thông thương. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Quế Sơn hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho người dân với mức vay tối thiểu mỗi hộ 20 triệu đồng để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022 - 2025, Quế Sơn sẽ tiếp tục đầu tư gần 19 tỷ đồng cho việc khôi phục và phát triển làng nghề. Mục tiêu huyện đặt ra là phát triển thêm một làng nghề mới, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất của các làng nghề bình quân đạt từ 25% trở lên, tỷ lệ lao động trong các làng nghề được đào tạo nghề và truyền nghề đạt 45%...
Hiện nay, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa có khoảng 65 hộ dân tham gia sản xuất thường xuyên, giải quyết việc làm cho 130 - 150 lao động với mức thu nhập bình quân hằng tháng từ 5 - 6 triệu đồng/ người.
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn nhìn nhận: “Thời gian qua, làng nghề truyền thống này đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống người dân và phát triển kinh tế tại địa phương. Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ làng nghề cải thiện mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm để ngày càng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Được biết, ngoài làng nghề chổi đót truyền thống Thạnh Hòa của xã Quế Xuân 1, hiện nay trên địa bàn Quế Sơn còn có 5 làng nghề khác, gồm nón lá (Quế Minh), rèn (Quế Châu), gốm (Quế An), phở sắn và mộc (Đông Phú). Ông Tánh cho biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua huyện Quế Sơn vẫn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề.
“Ngoài việc đầu tư khoảng 8 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông tại một số làng nghề, trong vòng 4 năm trở lại đây huyện cũng đầu tư hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, đăng ký nhãn mác hàng hóa, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm...” - ông Tánh nói.
Nhiều giải pháp
Ông Trần Vũ Tánh cho rằng, mặc dù có bước chuyển biến tích cực nhưng việc khôi phục và phát triển các làng nghề trên địa bàn Quế Sơn vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, phần lớn cơ sở trong các làng nghề chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Tính liên doanh, liên kết giữa các cơ sở trong cùng ngành nghề còn thấp và hình thức sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún còn khá phổ biến. Một số sản phẩm ngành nghề và làng nghề nông thôn chưa xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa, chất lượng chưa đảm bảo tiêu chuẩn...
“Do sức hút lao động từ ngành nghề và làng nghề nông thôn thấp hơn so với công nghiệp nên lực lượng lao động còn lại ở khu vực nông thôn có trình độ thấp, lớn tuổi, không đăng ký đi đào tạo nghề..., dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động.
Đáng chú ý, tại hầu hết cơ sở sản xuất của các làng nghề, việc đầu tư ứng dụng dây chuyền máy móc và năng lực tổ chức sản xuất, quản lý của chủ cơ sở còn yếu kém. Do sản lượng và thị trường tiêu thụ không ổn định, khả năng tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế nên các cơ sở ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình ra nước ngoài mà chủ yếu phải thông qua khách hàng trung gian...” - ông Tánh nói thêm.
Thời gian tới, Quế Sơn sẽ tiến hành quy hoạch tập trung cụm làng nghề phở sắn và mộc ở thị trấn Đông Phú với quy mô diện tích mỗi cụm khoảng 1,5 - 2ha. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải ở các làng nghề.
Đồng thời, hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu sắn đạt chuẩn tại các địa phương Quế Mỹ, Quế Châu, Đông Phú, Quế Minh, Quế An, Quế Phong, Quế Long, Quế Hiệp, Quế Thuận... nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất phở sắn hàng hóa. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao công suất hoạt động cũng như chất lượng sản phẩm...
Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng công tác đào tạo tay nghề tại các địa phương có làng nghề, làng có nghề truyền thống.
Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới và sử dụng các loại máy móc tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại, kết nối đối tác nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn...