Tháng giêng vẫn còn tươi với xuân đương thì. Bà con rủ nhau đi chùa chiền, hoặc tới những đền miếu linh thiêng bói quẻ, bốc xăm. Tục xưa mang theo ước vọng ngàn đời của con người là cầu may, cầu phúc, nhưng cũng có bao chuyện dở khóc dở cười từ đó mà ra.
Chuyện rằng, đứa cháu tôi cùng với người yêu tới “điện” xin xăm, cầu năm nay duyên thành hạnh phúc. Rủi thế nào hai cháu bốc trúng quẻ “Ngạ hổ trùng dương”. Cứ theo quẻ mà giảng, đây là quẻ hạ hạ, tức quẻ xấu, giải nghĩa rằng “hổ đói gặp dê”. Thầy “phán” thế nào mà hai đứa cháu mặt nặng mày nhẹ với nhau bởi nghĩ đến chuyện không rõ ai là hổ, ai là dê, cứ thế mà đổ thừa nhau, lôi cả chuyện tình cũ ra mà xét.
Quẻ xấu, hiểu theo như hai cháu tôi đã đành, nhưng quẻ tốt thì sao? Anh bà con của tôi bốc trúng quẻ “lão bạng sinh châu”, tức quẻ thượng thượng, là đại cát. Thầy cứ theo quẻ mà luận, nghĩa của quẻ là “trai già sinh ngọc”. Đúng là con trai biển, tích tụ linh khí, sinh khí mà sinh ra ngọc; trai càng già, ngọc càng chắc. Nhưng vợ anh lại nghĩ khác, ấy là anh chồng đã đến tuổi lão, còn sinh ngọc cái nỗi chi, hay là có “phòng nhì”, có con riêng (?).
Cớ sự ra làm sao cho việc hậu vận thì không rõ, chỉ thấy nhãn tiền sinh sự. Thật vậy, ít nhất có những mục mà cách chú giải xăm đại để phải bàn luận. Đó là chín loại quẻ nói về: tự thân gia trạch (nhà cửa, gia đạo của bản thân); cầu quan, cầu tài (con đường quan chức, tài lộc); hôn nhân (tình duyên); lục giáp (đường con cái); phong thủy (chuyện xây nhà, xây mộ); quan tụng (việc kiện tụng); tật bệnh (sức khỏe, bệnh tật); hành nhân thất vật (về người đi, người về; về những vật mất mát); lục súc điền tầm (chăn nuôi, canh tác). Tuy có vẻ khoa học vậy, nhưng cách chú giải của thầy bàn, cộng thêm sự suy đoán, suy luận của thân chủ, trong bối cảnh người tới xin xăm quẻ nườm nượp, có khi “phán đại” tùm lum, trúng trật tòa loa. Vì vậy, không ít người xin xăm, nghe luận quẻ, về chưa thấy tốt đã xấu, chưa xấu đã tè le. Đó là chưa kể, cứ theo hiện tại mà luận, khi gia đình nào có tì vết, xăm quẻ nói chuyện ngoài vành đã vận vào trong, xích mích nảy sinh càng nhiều.
Đi xin xăm, xin quẻ đầu năm là cái tục mà người Việt nói chung, người Quảng nói riêng hay thích vào mỗi kỳ xuân nhật. Vì vậy xuống các chùa, hội quán ở Hội An và nhiều nơi khác hay thấy cảnh người người đi xin xăm, xin quẻ. Giữa vô thiên lủng của số phận con người, không rõ cái gì sẽ ứng với hành trình từng năm của họ, cách giải cũng còn nhiều chỗ mù mờ nhưng sao nhiều người vẫn mê lầm. Ngay ở xăm quẻ, có bài thơ như lời sấm truyền của “thánh nhân” mà người luận giải cũng không rõ hết ý tứ vậy thì ứng vào cái gì. Một nguyên tắc hay được nhắc là “hữu cảm tư thông, hữu cầu tắc ứng”, nhưng các thầy bàn thường theo ý chủ quan của mình mà luận, vậy thì lời thánh ai mà hiểu hết được.
Có vị học giả khuyên người đời là “tính cách tạo nên số phận”, vậy chuyện xăm quẻ cũng nên xem là thú vui trong những ngày du xuân, còn phần lớn do mình tạo ra xấu tốt của đời mình. Ở góc độ văn hóa, có thể lý giải chuyện xin xăm quẻ là lời cầu nguyện quốc thái dân an, cầu lành lánh dữ. Do vậy, có người muốn chuyện là khuyến cáo các chùa chiền, nơi thờ tự linh thiêng cứ đặt quẻ nào cũng “cát” như “hòa thân đương xuân” (mùa xuân thần thái ôn hòa), “thiên tương cát nhân” (trời giúp người lành), “nhất lộ phúc tinh” (một đường sao phúc), “đăng hoa báo hỷ” (đèn hoa báo tin vui)… Thế là, ai cũng hỉ hả, vui cả.
ĐIỆN NAM