(QNO) - Chẳng có ai cùng tôi trở lại đường cũ. Chẳng có, thời anh em đồng nghiệp lúc đó, đầu những năm 2000, thì đây, chị Kim Em báo Tuổi trẻ về hưu, anh Đặng Ngọc Khoa báo Thanh Niên đã mất.
Anh Khoa và tôi gắn bó nhiều trên cung đường này. Lúc đó lực lượng thanh niên xung phong các nơi đổ quân về, báo Đoàn tiếp lửa truyên truyền cho họ. Đoạn qua A Sờ (xã Mà Cooih, Đông Giang) lúc đó Trung ương Đoàn rót vốn làm Làng thanh niên lập nghiệp nên tôi lại có cơ hội bám xe Tỉnh đoàn lên miết.
Đi là anh Khoa hú tôi. Những buổi chiều khi đã thảnh thơi việc, hai anh em la cà dọc sông A Vương. Nhiều chuyện, cả riêng tư, anh kể tôi nghe. Lúc đó không còn là hoạt náo viên trong mắt thiên hạ nữa, mà anh trở về với nỗi niềm buồn thẳm của một người làm thơ, nặng nợ chuyện gia đình. Một bữa, lời anh như đeo đá: “Khám, họ nói tau bị ung thư”. “Có hề chi không? Tôi nhớ mình bỗng trở giọng nói càn - chẳng có chi mô”. Anh “ừ” như cho có lệ.
Bây giờ tôi nhớ anh, cố soi tìm chỗ ngồi ngày cũ bên kệ đá dọc sông gần khúc cua chữ L mà đi tiếp một đoạn nữa là đến Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ, nhưng đành chịu. Thời gian đã phủ nhòa tất cả. Cây cối mọc um tùm, mất dạng. Nhớ anh nói đời tau chẳng vui đâu, nhưng kệ, đi cho tàn hơi thì thôi, ai nói chi kệ.
Nghề báo mà xông pha, thì có một việc phải lường, là đưa đầu hứng đủ lời của thiên hạ, đúng – sai, khen - chê, thương - ghét. “Tau thích hiện sinh”. Tôi nhớ anh nói vậy, khi chủ đề tán gẫu lạc sang văn học, triết học miền Nam trước năm 1975. Bao năm, thi thoảng nhớ lại, tôi vẫn nhớ như in mặt anh, đang trang nghiêm thoắt bỗng ra cười. Làm hết mình, chơi hết mình, viết hết mình, sống tận lực với cuộc đời và nghề nghiệp, dẫu ngắn ngủi, đó là hiện sinh chứ chi nữa.Không có ai đi cùng. A Sờ - Ma Cooih, Cà Dăng bây giờ đã khác. Phong quang, thanh sắc xanh đỏ tím vàng nhà cửa, xe cộ, người vào ra. Lối vào làng ngày đó, bây giờ cũng là đường dẫn về Hang Gợp. Sau 20 năm, không còn như ngày trước nữa, những túm tụm lại sôi nổi nghề nghiệp và cam chịu nắng mưa, hừng hực bài vở, vô tư và thương mến.
Thi thoảng gặp, tôi hay mở miệng “ời, bày đặt, giẫm thép gai, nhiễm trùng tetanus (uốn ván) ăn cho hết”, là tức thì chị Kim Em cười lăn. Bữa đó có đoàn thành niên tình nguyện quốc tế sang làm đường. Tôi, chị và anh Vũ Công Điền bên Thông tấn xã Việt Nam bám xe theo.
Trời mưa nhão nhẹt, đường núi đất đỏ nhầy nhụa. Cám cảnh ba anh em ướt mèm, anh Điền nhìn họ, nói vui: “Bày đặt, ở bên nớ dư bơ thừa mỡ, ăn chơi nhảy múa, không chịu, bày đặt qua đây, ời tình nguyện thì tốt rồi, nhưng coi chừng giẫm thép gai nhiễm trùng tetanus ăn cho hết”. Đám người quốc tế thấy ba anh em cười to, ngơ ngác chẳng biết có chuyện gì.
Không còn ai. Người ta trách báo chí không còn tưng bừng như trước nữa. Họ đọc, có quyền trách. Lỗi tại nhà báo. Còn nhà báo vì sao vậy, khỏi nói nhiều, ai cũng biết. Phương tiện đi lại, làm việc đã khác, khiến phóng viên đỡ vất vả hơn, nhưng giờ mà tìm những tay viết lặng lẽ đi về những miền xa, chịu đựng gian khổ để đưa đến bạn đọc những "món ăn" ngon, bất ngờ, hấp dẫn và đầy xúc cảm, đâu có nhiều.
Người viết báo đúng theo nghĩa của nghề này, là kẻ cô đơn. Tôi nghĩ vậy. Và như thế, họ chẳng khẩn cầu điều gì, ngoài đề tài hay và mong "bà nhập" để viết cho đã tay, in cho trọn vẹn, phản hồi cho rộn rã, hiệu ứng tích cực cho rầm rộ.
Mình tôi đứng ở ven đường, ngay gần trạm xá xã Mà Cooih, ký ức quay quắt nhớ bữa rượu đêm đó. Anh Khoa, tôi và anh Tấn thì phải (tôi quên mất tên rồi). Anh Tấn quê Sài Gòn, lớn tuổi hơn anh Khoa, làm đội trưởng thi công đường. Hay tin chúng tôi lên, anh mua một con gà hấp lá quế và mời uống rượu. Cái chòi lá dựng ven sông thành ngắm sóng.
Miên man theo lời anh kể về cuộc sống phiêu bạt của dân công trình, tôi có nhớ anh nói rằng, làm nhà, làm đường xong, thì quên, bởi làm nhiều quá, bởi mưu sinh, nhưng đó là cái nghề nuôi mình, mình không trọng nó quý nó đàng hoàng với nó, thì nó sẽ đãi lại mình y như thế. Vì nghề mà yêu nó và sống hết mình với nó, y như các ông viết báo vậy thôi, tôi nghĩ vậy, các ông nếu không yêu nghề, các ông vẫn làm việc, nhưng các ông sẽ sống cuộc đời nhạt nhẽo…
Nỗi chơ vơ hiện hữu bủa vây làm xốn xang mắt. Hình như, mà chắc là đúng vậy rồi, ta vẫn sống, vẫn làm việc, nhưng thấy nhạt nhẽo rồi, bởi lòng yêu nghề đã vơi, có thể do thời gian, do bắt đầu già nua, cho áp lực, do đủ thứ, nhưng sợ nhất lúc mình bạc với nó, chẳng biết mình làm sao. Thôi thì thử quên đi, để nhớ và sống.