Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

L.V (tổng hợp) 07/11/2013 08:19

Sáng qua 6.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trước phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự luật này.

Với ý kiến đề nghị trước khi ra quyết định cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 71. Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có ý kiến đề nghị việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi Nhà nước thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng phân biệt rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, bồi thường là bù đắp những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Đối với hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà xác định đây là việc Nhà nước tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có cuộc sống tốt hơn.

Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu nhất trí với quy định tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở cho người có đất thu hồi, nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu. Một số đại biểu cho rằng, đây là quy định có tính nhân văn, tuy nhiên nếu không làm rõ thì sẽ dẫn tới hệ lụy là mỗi tỉnh có quy định về suất tái định cư tối thiểu khác nhau. Vì thế, đề nghị giao Chính phủ quy định rõ hơn, đừng để vấn đề này giống lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, quy định ra nhưng thực tế có nhiều bất cập. Đồng ý sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng cần bổ sung cơ chế đại diện của người dân về sở hữu đất đai. Bên cạnh đó, cần quy định 1 điều riêng về Nhà nước thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội, bởi đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc nhất trong thực tế. Quan tâm nhiều tới vấn đề thu hồi đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, qua thảo luận nhiều ý kiến đề nghị không nên thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và áp dụng phương thức trưng mua đối với các dự án này, nhưng đến nay chưa nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan soạn thảo. Nếu tiếp tục giữ quy định này thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là “điểm nghẽn”, chưa có lời giải.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn về tính khả thi của dự luật khi nhiều điều khoản chưa được cụ thể hóa để có hiệu lực trực tiếp mà phải dựa vào các nghị định hướng dẫn thi hành. Đại biểu Ngô Văn Minh cũng phân tích một số điều khoản chưa phù hợp với thực tế cuộc sống.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

L.V (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO