Quốc hội thảo luận Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

KỲ DUYÊN 19/11/2018 05:55

(QNO) - Hôm nay 19.11 - ngày đầu tiên của tuần làm việc cuối cùng Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, tiếp thu ý kiến về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Quy định cho phép phạm nhân được ra ngoài khuôn viên trại giam để lao động sản xuất, quy định cho trẻ dưới 36 tháng được ở cùng cha mẹ trong trại giam và thời gian ban hành luật là 3 nội dung tập trung ý kiến phân tích, mổ xẻ từ các đại biểu.

Nêu ý kiến về quy định cho phép phạm nhân được ra ngoài lao động sản xuất, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, việc tạo điều kiện cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là cơ hội giúp phạm nhân lạc quan, lao động cải tạo tốt hơn để sớm ra tù về với gia đình. Tuy nhiên với điều kiện của hệ thống quản lý, cơ sở xã hội của nước ta hiện nay thì cần phải hết sức cân nhắc. Ông Đức đề nghị Chính phủ cần phải có một đánh giá quy mô, làm rõ những tác động, các điều kiện để áp dụng quy định này để đại biểu Quốc hội đưa ra quyết định.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cũng cho rằng cần có sự đánh giá tất cả các tác động, đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học để các đại biểu có đủ thông tin trước khi bấm nút thông qua. Khi đánh giá xong thấy có hiệu quả thì phải đưa vào áp dụng trong thực tế.

Cần thông qua sớm

Nhiều đại biểu đề nghị, Luật Thi hành án hình sự là luật khó, sửa đổi gần như toàn bộ và có những quy định rất mới nên cần thiết phải thông qua tại 3 kỳ họp. Tuy nhiên trong phần giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng cần áp dụng, ban hành luật sớm để đảm bảo phù hợp với công tác thi hành án và đáp ứng các điều kiện khác.

Nêu băn khoăn về quy định này trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc cách ly người phạm tội là để phạm nhân ăn năn hối lỗi, tích cực thi hành án, chấp hành án phạt để sớm được về với gia đình. Một khi đã đặt ra quy định cho ra ngoài - đành rằng là có sự quản chế nhưng vô tình làm thay đổi bản chất của giam giữ.

“Mục đích của trừng phạt là nhằm răn đe, giáo dục ý thức cho phạm nhân về tội mà mình đã gây ra. Việc cho lao động bên ngoài sẽ làm giảm tính nghiêm minh. Mặt khác hiện tình trạng trốn trại, bỏ khỏi nơi lao động còn diễn biến phức tạp; nếu áp dụng quy định cho lao động ngoài xã hội sẽ gây lo lắng cho người dân. Hiện cũng chưa có một sự đánh giá cụ thể nào về những tác động này đối với tất cả các vấn đề” - bà Thủy nói.

Nêu băn khoăn về quy định trong dự thảo luật cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi được ở cùng cha mẹ trong trại giam, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, cách tiếp cận này như dự thảo luật chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chưa phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em. “Theo tôi nhóm trẻ em này không phải là người chấp hành án; mặt khác đây là những trẻ em tuổi còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương, rất đặc biệt” - đại biểu Hiển nói.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì quy định trẻ dưới 36 tháng tuổi được theo cha vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ… là quy định mới nên cần phải hết sức cân nhắc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của trẻ em, làm những gì tốt nhất đối với trẻ.

Ông Cường cho rằng quy định này là nhân đạo vì lợi ích, tâm sinh lý tốt nhất cho đưa trẻ, trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần chăm sốc của người mẹ, chẳng hạn cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên hiện Bộ luật Hình sự đã quy định cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được tạm hoãn thi hành án. Còn trong Luật Hôn nhân và gia đình quy định, khi vợ chồng ly hôn về nguyên tắc người mẹ được nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Như vậy nếu áp dụng quy định này vào Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ tạo độ “vênh” các luật khác.

“Vì vậy tôi không tán thành với bổ sung quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo cha vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Vì quy định này không phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc giải quyết vấn đề này theo nguyên tắc quyền bình đẳng giới giữa nam phạm nhân và nữ phạm nhân là phản cảm. Ở đây phải thấy vấn đề là quyền trẻ em, lợi ích của trẻ em, môi trường giam giữ chưa bao giờ là môi trường thân thiện đối với trẻ em” - ông Cường nói.

* Theo chương trình kỳ họp, trong chiều nay Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 5 bộ luật quan trọng. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ bế mạc trong sáng mai (20.11).

KỲ DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thảo luận Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO