Quốc hội thảo luận Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

DUY MAI 26/05/2017 22:02

(QNO) - Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, chiều 26.5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Theo tờ trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ, sau gần 4 năm triển khai thực hiện đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu; VAMC và các TCTD đã thu hồi nợ được 50.139 tỷ đồng/345.924 tỷ đồng nợ xấu (cuối năm 2016). Chất lượng tín dụng từng bước được nâng cao góp phần cải thiện sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi xuất.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ như: nợ xấu chủ yếu vẫn được xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ vay còn hạn chế; cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo còn bất cập, thời gian xử lý nợ, tài sản đảm bảo thông qua tòa án không hiệu quả (thời hạn giải quyết 400 ngày, thực tế là khoảng 2 năm và chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ); nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại… Do đó, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) thống nhất với chủ trương Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo hành lang pháp lý nhằm xử lý hiệu quả hiệu quả nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết mới chỉ điều chỉnh việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, do đó đề nghị Chính phủ làm rõ phần tỷ lệ nợ xấu không có tài sản đảm bảo, và cần có giải pháp để xử lý đối với phần nợ quan trọng này.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh đề nghị không sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, đồng thời cho phép các TCTD có quyền bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ sách của khoản nợ xấu và cho phép VAMC được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá thị trường. Đại biểu cũng đồng tình với việc cho phép VAMC, các TCTD có quyền thu tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu nếu tài sản trong trường hợp tài sản không có tranh chấp…

Đại biểu Lê Ngọc Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, việc ban hành nghị quyết cũng cần xem xét toàn diện các vấn đề xã hội khi xử lý nợ xấu, trong đó đảm các quyền sống cơ bản của người dân.

DUY MAI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thảo luận Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO