Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, hôm qua 2.6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Các đại biểu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đã khả quan hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần; qua đó đánh giá cao vai trò điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND các cấp. Tuy nhiên, các đại biểu nhận định nền kinh tế đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, do đó Chính phủ cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa trong điều hành kinh tế, xã hội. Nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp ứng phó về kinh tế khi căng thẳng biển Đông tiếp tục leo thang.
Theo nhiều đại biểu, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép làm tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam diễn biến khó lường. Trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như: hỗ trợ lãi suất để ngư dân đóng tàu vỏ sắt; trong đó, tại những vùng trọng điểm, lãi suất ưu đãi cho ngư dân nên về 0% thay vì 3% như hiện nay. Các đại biểu nhấn mạnh, nhân dân và cử tri cả nước đồng tình ủng hộ các chủ trương và giải pháp của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta. Tuy nhiên, theo các đại biểu Chính phủ cần có những kịch bản ứng phó với những tác động tiêu cực có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Việc thu hút đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014, các đại biểu nhất trí với những nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm mà Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới; có biện pháp chủ động tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép phong tỏa nền kinh tế để buộc Việt Nam phải nhượng bộ. Đồng thời có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng nợ; củng cố niềm tin thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong khi phải tập trung xử lý những mối đe dọa ở biển Đông, cần đẩy mạnh cải cách kinh tế. Đây là thời điểm để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt, khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ ngành cần trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này.
L.V (Tổng hợp)