Quốc hội thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

DUY MAI 07/11/2015 10:34

(QNO) - Ngày 6.11, Quốc hội thảo luận hội về Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 được đánh giá là đã sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định về tố tụng hình sự, gồm 36 chương và 504 điều, tăng 158 điều so với bộ luật hiện hành.

Đại biểu Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam tham gia góp ý sửa đổi luật tại Quốc hội.
Đại biểu Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam tham gia góp ý sửa đổi luật tại Quốc hội.

Dự thảo Bộ luật có một số quy định mới như: Cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia; người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; mở rộng trường hợp phải chỉ định người bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có mức hình phạt tù 15 năm trở lên; người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, có quyền được hỏi bị can sau khi người có thẩm quyền đã hỏi cung xong...

Qua thảo luận, đa số ý kiến đai biểu Quốc hội tán thành với mục tiêu sửa đổi bộ luật là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý.

Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, nhiều đại biểu tán thành với quy định như trong dự thảo bộ luật. Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo trong việc tiếp cận quyền này của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo và phân tích, xuất phát từ nguyên lý của tố tụng hình sự, chứng minh tội phạm là trách nhiệm của bên buộc tội. Đồng thời, sửa đổi quy định này nhằm tránh ép cung, mớm cung, truy bức buộc phải nhận tội. Quy định này cũng xác định rõ quyền và nghĩa vụ của điều tra viên, của người bị lấy lời khai khắc phục tâm lý chủ quan, quy chụp của điều tra viên.

Tuy nhiên, vấn đề này đại biểu Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam lại có ý kiến khác, đề nghị cần cân nhắc thật kỹ vì cho rằng “kẻ cầm đầu bị bắt mà im lặng thì làm sao tháo kịp ngòi nổ, truy bắt đồng phạm, thu hồi vũ khí, ngăn chặn hậu quả. Nếu là tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản của nhà nước. Nếu là tội phạm giết người cướp của làm sao truy tìm tang vật vụ án để giải quyết kịp thời vụ án đem lại sự bình yên cho nhân dân”.

Đối với quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, đại biểu Phạm Trường Dân nêu quan điểm nếu quy định mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải được ghi âm, ghi hình là không cần thiết và không khả thi. Theo đại biểu, hoạt động phạm tội trên thực tế rất đa dạng, khác nhau về quy mô, mức độ nghiêm trọng; lượng tài liệu, chứng cứ thu thập được; thái độ khai báo của đối tượng nghi can nên không cần thiết phải ghi âm ghi hình trong tất cả các vụ án. Trong khi đó, nếu phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp thì lượng kinh phí phải bỏ ra để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, kho bảo quản rất lớn, đồng thời để thực hiện việc này phải tăng thêm biên chế để tiến hành các hoạt động này. Do đó đề nghị Bộ luật chỉ nên quy định việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung đối với một số trường hợp, như phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc khi có thông tin, dư luận về việc oan sai, bức cung nhục hình… để đảm bảo tính khả thi của quy định.

DUY MAI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO