Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Đại biểu Phan Thái Bình đề xuất nhiều nội dung

VĂN HIẾU 26/10/2018 12:09

(QNO) - Sáng 26.10, ngày làm việc thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và giữa nhiệm kỳ.

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh: V.H
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh: V.H

Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong 9 tháng qua và trong 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2020). Đồng thời cho rằng, đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị nên đã đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu kế hoạch (trong đó vượt 8 chỉ tiêu).

Từ thực tiễn và qua hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương trong thời gian qua, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất một số nội dung. Theo đại biểu Phan Thái Bình, với một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, phát sinh nhiều tồn tại, vướng mắc như công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và trong điều kiện các quy định pháp luật hiện hành chưa cụ thể, thì việc căn cứ vào pháp luật chuyên ngành (Luật Đất đai) để thực hiện là phù hợp - tức là tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ bao gồm: tổ chức phát triển quỹ đất và hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Đại biểu Phan Thái Bình cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sửa đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước theo hướng: không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Qua đó nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giảm giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Về biên chế và quản lý biên chế ngành giáo dục, thực trạng ngành giáo dục đang vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ; việc tuyển dụng giáo viên cũng như phân cấp quản lý giáo viên của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập. Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển GD-ĐT, nhiều địa phương phản ánh, hiện nay các sở GD-ĐT chỉ quản lý, điều chuyển được giáo viên THPT, còn giáo viên từ mẫu giáo đến THCS do đã phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện quản lý. Do vậy dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh; nơi thừa, nơi thiếu giáo viên không cùng cấp học, không cùng môn học nhưng ở các địa phương khác nhau không thể điều chuyển từ huyện này sang huyện khác. Đại biểu Phan Thái Bình đề xuất theo hướng giao việc quản lý nhà nước về giáo dục cho toàn ngành giáo dục từ Bộ GD-ĐT cho đến các sở, không phân cấp cho địa phương, để chủ động điều chuyển giáo viên trong biên chế được giao.

VĂN HIẾU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Đại biểu Phan Thái Bình đề xuất nhiều nội dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO