(QNO) - Ngày 9.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cơ bản nhất trí với đánh giá bổ sung của Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã thật sự năng động, quyết liệt, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, nhất là quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó 11/13 chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội giao.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thái Bình cũng nhận định nước ta vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức lớn, đó là: các thế lực thù địch tiếp tục chống phá sự nghiệp đổi mới, phát triển của dân tộc; vấn đề tham nhũng, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm; tình trạng một số nơi mất trật tự, an toàn xã hội đang đặt ra những thách thức thật sự cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và mỗi người dân Việt Nam. Ngoài ra còn có những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năn 2017; đời sống nhân dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn quá khó khăn.
Đại biểu Phan Thái Bình thống nhất với những nguyên nhân đã nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên một nguyên nhân quan trọng chưa được đề cập rõ, đó là những bất cập, vướng mắc từ thể chế, chính sách và tổ chức bộ máy. Đại biểu Phan Thái Bình đánh giá: Gánh nặng chi thường xuyên để nuôi bộ máy cồng kềnh đã gây áp lực cho nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển. Do đó, cần cắt giảm tối đa hệ thống trung gian và đổi mới mô hình quản trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước hiện đại, hướng tới mục tiêu vì dân phục vụ.
Muốn thực hiện được điều này, theo đại biểu Phan Thái Bình, Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2008 theo hướng quy định thống nhất "cán bộ, công chức" cho 4 cấp hành chính (trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), bỏ "cán bộ cấp xã, công chức cấp xã", đảm bảo sự liên thông trong công tác cán bộ từ trung ương đến cơ sở; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền trong quản lý, sử dụng công chức được giao. Ngoài ra nên sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 theo hướng quy định UBND cấp xã không quá 2 phó chủ tịch, UBND cấp huyện không quá 3 phó chủ tịch, để tùy điều kiện cụ thể từng địa phương bố trí cán bộ cho phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai nên được tổ chức ở cấp tỉnh và huyện nhằm chuyển trung tâm phát triển quỹ đất và văn phòng đăng ký đất đai (tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) trực thuộc UBND cấp huyện quản lý như trước đây để thuận ợi nhanh chóng giải quyết các thủ tục đất đai cho người dân, giảm áp lực cho cấp tỉnh.
Đối với Chính phủ, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị sớm ban hành văn bản thay thế Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ về "chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã" theo hướng: Quy định bộ máy chính quyền cấp xã tinh gọn hơn, giảm số lượng cán bộ và chuyển "người hoạt động không chuyên trách" sang "công chức" để thực hiện chế độ tiền lương; chỉ quy định chức danh, khung vị trí việc làm và giao chủ tịch UBND xã phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù đừng địa phương, vùng miền.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.10.2014 về chính sách tinh giản biên chế theo hướng mở rộng điều kiện được áp dụng chính sách tinh giản biên chế như: người có nguyện vọng xin nghỉ; người ốm đau không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác nhưng có số ngày nghỉ chưa đáp ứng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội… để tạo điều kiện thuận lợi tinh giảm biên chế. Có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2020 tinh giảm tối thiểu 10% biên chế. Đồng thời, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá hoạt động của các mô hình trung tâm hành chính công tại các tỉnh, thành phố hiện nay. Qua đó xem xét ban hành quy định hướng dẫn về thành lập, tổ chức, hoạt động nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và triển khai thực hiện thống nhất. Bên cạnh đó, giao quyền phê duyệt số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn định mức lao động của các bộ, ngành trung ương đối với các địa phương tự cân đối ngân sách để tạo tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương và phù hợp với quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “HĐND cấp tỉnh phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh”.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý từ cơ sở trước khi ban hành các quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính các cấp nhằm đảm bảo tính khoa học, ổn định và phù hợp với thực tiễn; đặc biệt quan tâm đến việc giảm đầu mối, quản lý theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; đối với mỗi cơ quan, cấp nào trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thì cấp đó quản lý về con người, tổ chức đảng và các đoàn thể. Chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương xem xét sáp nhập một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, cụ thể như: trạm bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông - khuyến lâm và trạm thú y thành 1 đơn vị; nhập trung tâm DS-KHHGĐ và trung tâm y tế; quy định phòng y tế là tổ chức "mềm" ở cấp huyện (tùy tình hình thực tiễn có thể tổ chức hoặc không nhất thiết tổ chức phòng này).
Ngoài ra, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung các thông tư về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng nội vụ, phòng y tế và phòng tư pháp cấp huyện theo hướng công nhận các phòng này có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng để phù hợp với Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ về “Quy định quản lý và sử dụng con dấu”, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật và đồng bộ giữa các phòng chuyên môn của UBND cấp huyện.
DUY MAI