Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học và bốn bộ luật quan trọng

KỲ DUYÊN 20/11/2018 03:03

(QNO) - Chiều 19.11, với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu về Luật Giáo dục đại học chiều 19.11. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu về Luật Giáo dục đại học chiều 19.11. Ảnh: Quochoi.vn

Trong cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua với đa số tán thành bốn bộ luật khác gồm: Luật Đặc xá sửa đổi, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển VN. Nội dung đáng chú ý của Luật Giáo dục đại học lần này là việc sẽ cho phép các đại học nhỏ tự sáp nhập lại với nhau để tăng cạnh tranh.

Đại học được tự quyết  mô hình tổ chức và cấu trúc

Giải trình ý kiến đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở giáo dục đại học là trường đại học; xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo hai cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học…. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mô hình, tên gọi cơ sở giáo dục đại học trên thế giới rất đa dạng, không có sự đồng nhất giữa các quốc gia, khu vực hoặc ngay trong bản thân từng nước.

Mô hình đại học ở nước ta đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp.

Xuất phát từ quan điểm xây dựng Luật phải phù hợp với xu hướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, bảo đảm ổn định và tạo điều kiện cho phát triển hệ thống, dự thảo Luật quy định hai mô hình là trường đại học và đại học, trong đó đại học được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đang tồn tại, hoặc từ một trường đại học tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật GD Đại học chiều 19.11. Ảnh: Kỳ Duyên
Kết quả biểu quyết thông qua Luật GD Đại học chiều 19.11. Ảnh: Kỳ Duyên

Vì thế tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng.

Cho phép các viện nghiên cứu được đào tạo tiến sĩ để “tận dụng tiềm lực”

Về ý kiến đề nghị quy định viện nghiên cứu phải phối hợp với cơ sở đại học để thực hiện tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì trên thế giới, việc đào tạo tiến sĩ ở các Viện nghiên cứu phổ biến ở các nước Đông Âu. Ở Việt Nam hiện nay có hai viện hàn lâm khoa học, những viện nghiên cứu khoa học uy tín với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực và có kinh nghiệm, truyền thống đào tạo tiến sĩ.

Vì vậy, để tận dụng tiềm lực của đội ngũ tri thức có trình độ cao hiện đang công tác trong các viện nghiên cứu này, Dự thảo Luật quy định cho phép các viện nghiên cứu đã được phép đào tạo trình độ tiến sĩ vẫn được tiếp tục thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật này.

Về điều kiện thành lập, trách nhiệm quyền hạn của tổ chức xếp hạng đại học; quy định rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng; chưa cho phép cơ quan, tổ chức trong nước được thực hiện hoạt động này… Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc xếp hạng nhằm tạo sự cạnh tranh và thông tin rõ hơn trong xã hội về chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, thông thường việc xếp hạng cơ sở đại học xuất phát từ nhu cầu của cơ sở đào tạo và tổ chức thực hiện việc xếp hạng là các tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo Luật quy định chỉ cho phép tổ chức pháp nhân phi thương mại trong nước được thực hiện xếp hạng đại học nhằm tránh việc lợi dụng hoạt động xếp hạng để tiến hành các hoạt động thương mại vì lợi nhuận, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở đại học.

KỲ DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học và bốn bộ luật quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO