(QNO) - Sáng nay 20/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 466/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,33% tổng số đại biểu).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX tại Điều 79 và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, đặc biệt là đối với HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Về thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX và góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, quy định về thành lập doanh nghiệp trong HTX còn chung chung, chưa rõ về tư cách pháp nhân và mối quan hệ giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp do HTX, liên hiệp HTX thành lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trên nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX và giao Chính phủ quy định điều kiện HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 81 quy định trường hợp HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp thì HTX, liên hiệp HTX thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; hợp đồng, giao dịch giữa HTX, liên hiệp HTX và doanh nghiệp được thành lập phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.
Tại khoản 2 Điều 82 quy định, trường hợp HTX, liên hiệp HTX góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp thì HTX, liên hiệp HTX thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, cổ đông của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Liên quan đến hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo luật là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX.
Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định cụ thể hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên (khoản 1 Điều 79) và hoạt động cho vay nội bộ (Điều 83).
Trên thực tế có những hợp đồng tín dụng nội bộ đã ký trước ngày Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và cần có quy định chuyển tiếp để xử lý, do đó tại khoản 3 Điều 115 quy định “HTX, liên hiệp HTX phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 1/1/2024 thì các bên tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không được gia hạn hợp đồng”.