Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

KỲ DUYÊN 20/11/2018 03:20

(QNO) - Với tỷ lệ tán thành 93,2%, sáng nay 20.11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Chưa xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.

Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH về nội dung này.

Kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu (chiếm 43,09% tổng số ĐBQH) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu (chiếm 32,16% tổng số ĐBQH) tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.

Từ các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành. Cụ thể: người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Áp dụng Luật Phòng tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công ty đại chúng là loại hình doanh nghiệp có sự huy động vốn góp của rất nhiều cổ đông. Hoạt động của loại hình doanh nghiệp này ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nên cần áp dụng một số biện pháp về công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm người đứng đầu là phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và chủ trương từng bước mở rộng áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp tư nhân có quan hệ cung cấp hàng hóa cho khu vực nhà nước thì dự thảo luật cũng đã có quy định để điều chỉnh. Cụ thể, Điều 20 quy định người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...; không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu...

Giao cho từng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Điều 30 của luật quy định giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quá trình thảo luận có ý kiến ĐBQH cho rằng, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…

Những đối tượng này không phải kê khai hàng năm. Tuy dự thảo luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo luật.

* Cũng trong sáng nay, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua quy định, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an như sau: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Trung tướng: Số lượng không quá 35; Thiếu tướng: Số lượng không quá 157.

Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 20.11 với 85,77% đại biểu Quốc hội tán thành.

Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương với 46 điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về vị trí của Công an nhân dân, luật quy định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Luật quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân là: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật quy định, ngày 19.8 hằng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân (Điều 25.), luật nêu rõ, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an. Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Trung tướng: Số lượng không quá 35. Thiếu tướng: Số lượng không quá 157.

Về thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm trong Công an nhân dân, luật quy định Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng. Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái theo đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái và Bộ trưởng Bộ Công an. Thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và hạ sĩ quan, chiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Về hiệu lực thi hành (Điều 45), luật quy định rõ: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019. Các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11.1.2019. Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13 ngày 27.11.2014 hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

KỲ DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO