Đường trục chính ven biển (nối tuyến 129) từ TP.Tam Kỳ đến cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai đang thi công, được ví như “quốc lộ 1” ven biển của Quảng Nam. Khát vọng đổi thay dải đất nghèo vùng đông nam của tỉnh sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa.
Đường ven biển đoạn qua dốc Diên Hồng, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ (điểm đầu tuyến ven biển Tam Kỳ - Chu Lai) đang được thi công.Ảnh: Bích Hạnh |
Viết tiếp giấc mơ
Thôn Diêm Trà nằm ở mũi đất cuối phía tây nam của xã Tam Tiến (Núi Thành) trước khi bị ngăn cách bởi bốn bề sông nước. Từ đây muốn về trung tâm thị trấn Núi Thành chỉ có 2 cách: đi ngược lên TP.Tam Kỳ theo quốc lộ 1 vào hoặc dùng ghe thuyền vượt sông Trường Giang qua xã Tam Hòa. Cảnh “lụy đò” làm cho cuộc sống người dân vùng này bao đời khó nghèo. Hạt lúa, củ khoai, hay con tôm con cá đánh bắt được gặp bất lợi trên đường vận chuyển, tiêu thụ.
Những ngày cuối năm, nhìn cảnh đơn vị thi công tập kết vật liệu, phương tiện, máy móc chuẩn bị xây cầu Diêm Trà bắc qua sông, người dân địa phương không giấu nổi niềm vui sướng. Bước qua tuổi 70, nên bà Bùi Thị Lý càng mong mỏi công trình sớm được thi công qua làng Diêm Trà, Long Thạnh quê mình. Bà bảo, bao đời nay, đường sá đi lại xa xôi, cách trở đò giang nên làng quê chậm phát triển. “Gia đình có việc chi làm hồ sơ giấy tờ ở thị trấn, phải mất cả buổi dù khoảng cách địa lý không xa. Cầu xây mới dân tui sẽ không còn cảnh qua sông lụy đò nữa” - bà Lý nói.
Đường trục chính ven biển (nối tuyến 129) hoàn thành sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: Phương Thảo |
Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Giúp cho biết, nhiều năm địa phương lúng túng với một vài tiêu chí nông thôn mới. Quan trọng hơn là nhiều doanh nghiệp muốn về đầu tư nhưng rồi lặng lẽ ra đi vì xã chẳng có đường giao thông cho xe tải lớn có thể ra vào. Nhưng tình thế sẽ đổi khác nếu như tuyến đường ven biển hoàn thành vì xã có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển và du lịch, dịch vụ. Ngoài cầu Diêm Trà, trên địa bàn còn thi công thêm cầu Tam Tiến với chiều dài gần 500m bắc qua sông Trường Giang.
Ngày cuối năm, hàng chục công nhân, kỹ sư xây dựng hối hả thi công cầu An Tân 2 (cách cầu An Tân, thị trấn Núi Thành hơn 1 cây số). Phía bắc cầu và trên sông như đại công trường. Hiện nhà thầu đã xây dựng hoàn thiện các mố, trụ, dầm cầu. Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật (Ban Quản lý các công trình giao thông Quảng Nam), trên tuyến đường từ điểm đầu xã Tam Phú đến điểm cuối giao ĐT620 và đường vào sân bay Chu Lai dài 26,5km, có 5 cây cầu sẽ xây dựng. Nơi nào giải tỏa sạch mặt bằng, nhà thầu tiến hành thi công để sau 18 tháng sẽ hoàn thành theo tiến độ.
“Xương sống” cho vùng đông
Đường ven biển kéo dài hơn 40km từ TP.Tam Kỳ ra đến cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng thời gian qua mang lại nhiều động lực mới bởi “dự án tỷ đô” Nam Hội An. Bước sang giai đoạn 2, con đường nối từ địa phận xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đi thẳng vào sân bay Chu Lai sẽ kéo vùng đông nam lại gần nhau hơn, tạo ra mắt xích kết nối đất liền, biển với bầu trời. Không bị giải tỏa trắng nhiều nhà cửa, nhưng dự án phải vượt qua không ít chướng ngại vật khi cần thu hồi đất nuôi trồng thủy sản, nghĩa trang… Ban đầu đã xuất hiện tình trạng cản trở thi công dự án cải táng mồ mả, nhưng thời điểm này cả nghìn ngôi mộ đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng thi công.
Với người dân vùng dự án bị ảnh hưởng đất sản xuất, chính quyền tỉnh vận dụng cơ chế bồi thường, hỗ trợ linh hoạt nhất cho họ. Đối với đất nuôi trồng thủy sản ngoài vạch giải phóng mặt bằng, Núi Thành đề xuất cho phép thu hồi và thực hiện bồi thường hỗ trợ cho gần 100 hộ dân. Phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hồi chạy dọc sông Trường Giang, sông Trầu và khu vực lân cận của các hộ dân thuộc các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Nghĩa. Một khối lượng giải phóng mặt bằng đồ sộ, lại đụng đến nhiều yếu tố nhạy cảm về tâm linh, hay những thông tin về nguồn gốc đất mơ hồ gây lúng túng cho việc xác định để chi trả bồi thường; nhưng mọi việc đều được đối thoại công khai, nhờ đó người dân đồng tình ủng hộ chủ trương. “Nút thắt” mặt bằng được gỡ, bởi ngay từ đầu chủ đầu tư, lãnh đạo chính quyền tỉnh huy động ít nhất 4 đơn vị lập kiểm kê, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đây là một điều chưa có trong tiền lệ dự án đầu tư.
Tuyến ven biển giai đoạn 2 đang thi công, được ví như “xương sống”, hiện thực hóa lộ trình đầu tư các dự án động lực cho vùng đông nam trong thời gian đến. Công trình khi đưa vào khai thác sẽ kết nối hoàn chỉnh giao thông thông suốt hành lang ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An đến sân bay Chu Lai và nối tiếp đến Dung Quất, Quảng Ngãi.
BÍCH HẠNH