Gương công an xã vì dân

HỒ QUÂN 11/12/2020 11:36

(QNO) - Được điều động về xã nhận nhiệm vụ Thượng úy Lê Minh Phước - Trưởng Công an xã Trà Leng và Thượng úy Bùi Ngọc Quý - Trưởng công an xã Trà Vân (Nam Trà My) đã nỗ lực bám sát địa bàn, vượt lên tất cả để thực hiện tốt nhiệm vụ, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân trong thiên tai...

Thượng úy Lê Minh Phước - Trưởng Công an xã Trà Leng đang tìm kiếm các nạn nhân mất tích dọc theo khu vực sông Leng. Ảnh: HỒ QUÂN
Thượng úy Lê Minh Phước - Trưởng Công an xã Trà Leng tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích dọc theo khu vực sông Leng. Ảnh: HỒ QUÂN

1. “Trong 2 đợt lũ quét xảy ra ở thôn 2 vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, cũng nhờ có anh Phước cùng lực lượng công an, dân quân của xã kịp thời thông báo, sơ tán dân đến nơi an toàn. Sau đó, ngày nào anh Phước cũng đến hỗ trợ làm nhà tạm; an ủi, lắng nghe tâm tư của người dân. Tình hình ở thôn 2 này ổn một chút là anh Phước chạy ra nóc Ông Đề cùng lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích”. Đó là lời ông Nguyễn Ngọc Tiên (ở thôn 2) kể về Thượng úy Lê Minh Phước - Trưởng Công an xã Trà Leng, khi chúng tôi đến làng.

Với người dân Trà Leng, dù Thượng úy Lê Minh Phước về địa phương công tác chỉ mới vài tháng nhưng hình ảnh người cán bộ công an gần gũi, lo cho dân đã trở nên thân thuộc. Và càng khâm phục hơn, khi vừa qua, anh Phước đã kiềm nén nỗi đau mất người thân trong vụ lũ ống ở nóc Ông Đề để chỉ huy lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn; tham mưu chính quyền xã Trà Leng xử lý công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.

 “Trong lúc nghe tin lũ quét gây sạt lở ở nóc Ông Đề thì tại trụ sở UBND xã Trà Leng nước cũng đang ngập sâu. Chúng tôi chỉ kịp bơi vào phòng làm việc lấy khẩu súng và con dấu; còn giấy tờ, quân tư trang gần như bị nước cuốn trôi hết. Sau đó, chúng tôi vượt hàng chục điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường nóc Ông Đề. Đến nơi, tôi mới hay tin mẹ vợ và cậu, mợ nằm trong số những nạn nhân gặp nạn, mất tích. Sau thời gian cùng các lực lượng tìm kiếm, thi thể 3 người thân của tôi được phát hiện. Tôi xin phép cấp trên lo hoàn thành hậu sự cho 3 người thân rồi khẩn trương quay lại hiện trường tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân còn mất tích” - Thượng úy Lê Minh Phước chia sẻ.

Thượng úy Phước cùng lực lượng công an xã Trà Leng động viên người dân. Ảnh: HỒ QUÂN
Thượng úy Lê Minh Phước thăm hỏi, động viên người dân. Ảnh: HỒ QUÂN

Hơn tháng nay, chưa ngày nào đôi chân Thượng úy Lê Minh Phước ngừng nghỉ. Hỗ trợ người dân dựng nhà tạm vừa xong, anh lại tham gia công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích. Vượt sông suối, băng rừng, đào xới,... anh cùng các lực lượng chức năng đang làm mọi cách để hoàn thành niềm mong mỏi của người dân địa phương. Dù được lãnh đạo cấp trên cho thời gian nghỉ ngơi, nhưng anh đã từ chối để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, trong những đợt thiên tai vừa qua, lực lượng công an chính quy về xã đã phát huy năng lực qua công tác cứu nạn, cứu hộ. Sự nhanh nhạy trong xử lý công việc, dũng cảm khi đối mặt khó khăn và chăm lo cho người dân là những phẩm chất mà chính quyền địa phương và người dân rất biểu dương. Đặc biệt là tinh thần của Thượng úy Lê Minh Phước - Trưởng công an xã đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát của gia đình để chỉ huy lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ.

2. Hơn một tháng kể từ khi vụ sạt lở tại thôn 1, xã Trà Vân xảy ra nhưng ông Nguyễn Khánh Tường vẫn nhớ như in những hình ảnh của ngày thảm họa. Ngọn núi đổ ập xuống vùi lấp ngôi làng có 8 hộ gia đình sinh sống; 26 người kịp thời thoát thân, còn 8 người không may gặp nạn.

 “Thời điểm đó mưa gió rất lớn mà nhà cửa, tài sản bị đất đá vùi lấp hết nên chúng tôi chẳng biết tránh trú ở đâu. May mắn, Thượng úy Bùi Ngọc Quý - Trưởng Công an xã đến kịp và vận động mọi người đến ở tạm trong căn nhà do đồng chí mới dựng cách làng cũ hơn 200m. Anh còn động viên, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho chúng tôi. Chúng tôi mang ơn Thượng úy Bùi Ngọc Quý rất nhiều!” - ông Tường thổ lộ.

Thượng úy Bùi Ngọc Quý - Trưởng Công an xã Trà Vân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân vùng sạt lở. Ảnh: HỒ QUÂN
Thượng úy Bùi Ngọc Quý chia sẻ với người dân vùng sạt lở. Ảnh: HỒ QUÂN

Nhớ lại chuyện đã qua, Thượng úy Bùi Ngọc Quý kể, do ảnh hưởng cơn bão số 9, điện thoại mất sóng, đường sá bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng. Đến khi nắm thông tin về vụ sạt lở tại thôn 1, lực lượng công an, dân quân xã tức tốc đến hiện trường phân công nhau hỗ trợ người dân chôn cất các thi thể tìm thấy theo phong tục bản địa; tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích và sơ tán người dân đến nơi an toàn.

“Khoảng 2 tháng trước, khi được điều lên đây công tác, tôi đã dựng một căn nhà nhỏ cách hiện trường vụ sạt lở hiện tại khoảng 200m để làm nơi ở, làm việc cho lực lượng công an chính quy trong thời gian chờ UBND xã sắp xếp. Tuy nhiên, khi thiên tai xảy ra, bà con gặp nạn, tôi đã vận động bà con đến căn nhà này ở tạm. Sau đó, tôi đến một trường học trên địa bàn mượn gạo và phân công lực lượng nấu ăn, chăm sóc bà con” - anh Quý nói.

Có 26 người dân thoát nạn sinh sống trong căn nhà nhỏ do anh Quý dựng hơn 10 ngày. Dù nhỏ bé, chật hẹp nhưng căn nhà tràn đầy hơi ấm của tình quân dân. Và khi mọi việc tạm ổn, Thượng úy Bùi Ngọc Quý cùng công an, dân quân xã Trà Vân khẩn trương xây dựng các nhà tạm ở một khu đất an toàn để các gia đình có nơi tránh trú. “Mỗi lần đến làng, những lời tâm sự, gửi gắm của người dân tôi đều ghi nhớ để kiến nghị lên cấp trên xem xét các phương án hỗ trợ, tái định cư bền vững cho bà con”- Thượng úy Bùi Ngọc Quý nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gương công an xã vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO