Quốc tế hóa hợp tác nguồn nước

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 19/03/2013 08:31

Trước thực trạng nguồn nước sạch đang khan hiếm ở mức báo động trầm trọng, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chọn năm 2013 là Năm Quốc tế hợp tác về nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị của các quốc gia về sự cần thiết phải hợp tác để giải quyết một trong những thách thức của nhân loại ngày nay. 

Nguồn nước sạch đang khan hiếm trên toàn cầu. Ảnh: Planetwater
Nguồn nước sạch đang khan hiếm trên toàn cầu. Ảnh: Planetwater

Thực hiện Chương trình mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc giai đoạn 2000-2015, đến cuối năm 2010, 89% dân số thế giới (khoảng 6,1 tỷ người) đã được sử dụng các nguồn nước sạch, vượt mục tiêu đề ra. Dẫu vậy, hiện thế giới vẫn còn gần một tỷ người không có nước sạch để sinh hoạt trong khi hàng trăm triệu người khác không được tiếp cận với nguồn nước sạch một cách ổn định. Những tồn tại này cản trở đáng kể đến cuộc chiến xóa đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các nước… Hậu quả đau lòng hơn, cứ mỗi 20 giây trên thế giới lại có một trẻ em tử vong vì các căn bệnh liên quan đến nguồn nước sạch.

Hưởng ứng phong trào Ngày nước thế giới năm nay, vào ngày 22.3 tới, tại Cần Thơ, Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ tổ chức mít tinh quốc gia, hội thảo khoa học “Hợp tác vì nước”, triển lãm ảnh “Nước - Con người - Cuộc sống”, lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh “Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ cuộc sống” và một số hoạt động tuyên truyền khác. Ngày Nước thế giới 2013 tại Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà tài trợ, học sinh, sinh viên và người dân về chia sẻ - hợp tác vì nước.

Mới đây, báo cáo về phát triển nguồn nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nêu rõ, an ninh về nước của 37 trong 49 quốc gia khu vực này vẫn ở mức thấp. Hiện, gần 2/3 người dân châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận với nước sạch dù thời gian qua, khu vực này có mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đáng nói là vấn đề an ninh nguồn nước của khu vực nằm ở chỗ quản trị kém và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng chứ không phải khan hiếm về nguồn cung nước. Do đó, theo ADB, khu vực này cần 59 tỷ USD để cải thiện việc cung cấp nước đạt tiêu chuẩn và thêm 71 tỷ USD để cải thiện vệ sinh môi trường. Phó Chủ tịch phụ trách về phát triển bền vững của ADB, ông Bindu Lohani cho rằng: “Trong khi châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh về kinh tế, song không một quốc gia đang phát triển nào ở khu vực này lại được đánh giá là an toàn về nước. Các nước này cần khẩn trương cải thiện công tác quản trị nước thông qua việc lãnh đạo và hoạch định chính sách”.

Ngay trong những ngày này, khắp nơi trên thế giới đang diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện nhằm hướng tới Ngày nước thế giới (22.3) với chủ đề “Hợp tác vì nước”. Qua đó chuyển tải thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước sạch”. Để đạt được điều này cần tăng cường hợp tác giữa các nước trong việc đề xuất các giải pháp hướng tới hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành và các nhóm sử dụng nước. Quan trọng hơn cả là cách tiếp cận đa ngành, trong đó kết hợp giữa các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, giáo dục, văn hóa và truyền thống. Năm 2013 cũng sẽ đánh dấu những mốc lịch sử nổi bật về các sáng kiến hợp tác thành công về bảo vệ nguồn nước, cũng như xác định các vấn đề về giáo dục, ngoại giao và quản lý nguồn nước xuyên biên giới, hợp tác tài chính giữa các quốc gia và các khuôn khổ pháp lý quốc tế, các mối liên kết với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2013 cũng là cơ hội để thực hiện các nội dung đã đưa ra tại Hội nghị Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (Rio+20, năm 2012) và hỗ trợ việc xây dựng các mục tiêu mới nhằm góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước.

QUỐC HƯNG (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quốc tế hóa hợp tác nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO