Chính quyền - đoàn thể

Quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận và HĐND tỉnh Quảng Nam: Vì lợi ích chính đáng của nhân dân

TÂM ĐAN 23/05/2024 08:00

Giai đoạn 2021 - 2023, công tác phối hợp giữa HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của 2 cơ quan.

Ký kết Quy chế phối hợp (sửa đổi) giữa HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giai đoạn 2024 - 2026. Ảnh: VINH ANH
Ký kết Quy chế phối hợp (sửa đổi) giai đoạn 2024 - 2026 giữa HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VINH ANH

Tăng cường trao đổi, thống nhất

Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và HĐND tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2026 được ký kết gồm 3 chương, 15 điều, tập trung vào 6 nội dung phối hợp cụ thể.

Có thể kể như phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhân dân; phối hợp thực hiện hoạt động giám sát, góp ý và phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh...

Đánh giá qua hơn 2 năm thực hiện Quy chế, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho rằng, các nội dung phối hợp được các bên triển khai đồng bộ và đạt kết quả tốt. HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên tổ chức trao đổi và bàn bạc các giải pháp, kế hoạch thực hiện, nhất là việc thống nhất nội dung giám sát, phản biện xã hội.

“Qua thực hiện tốt Quy chế phối hợp góp phần thể hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ ở cơ sở; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp…” - ông Vinh đánh giá.

Hơn 2 năm qua, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 8 đoàn giám sát chuyên đề; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức 22 đoàn giám sát chuyên đề. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động lựa chọn, đăng ký và tổ chức phản biện xã hội 10 đề án, dự thảo nghị quyết quan trọng.


Đáng chú ý, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn chú trọng và tăng cường phối hợp trong các hoạt động giám sát. Nhờ đó, các chương trình giám sát của HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch, hạn chế trùng lắp về nội dung, thời gian, đối tượng giám sát.

Từ ý kiến phản biện xã hội, các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin đa chiều về thực trạng vấn đề cần ban hành chính sách, tình hình thực tiễn để tiếp thu, chỉnh sửa các đề án, dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo chất lượng trước khi trình HĐND xem xét, quyết định.

Bà Lê Thị Như Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo - Tổ chức - Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, qua giám sát Nghị quyết số 23 về sắp xếp dân cư miền núi, Mặt trận tỉnh kiến nghị và được HĐND tiếp thu, chỉ đạo các tổ đại biểu HĐND các địa phương thực hiện tái giám sát Nghị quyết số 23, và sau đó tiến hành sửa đổi nghị quyết này phù hợp hơn.

Hay như việc Mặt trận giám sát việc thi hành Bản án phúc thẩm số 34/2018/HC-PT ngày 16/3/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ “Khiếu kiện hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại xã Bình Tú, Thăng Bình, theo đề nghị từ cơ quan phối hợp - Báo Quảng Nam. Sau giám sát, kiến nghị của Mặt trận, vụ việc đã được giải quyết triệt để, quyền lợi của công dân được đảm bảo.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh thừa nhận thực tế, có những nghị quyết của HĐND, sau khi ban hành thì khó triển khai, không sát với thực tiễn.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VINH ANH
HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: VINH ANH

Đơn cử như Nghị quyết số 13 của HĐND về xóa nhà tạm; qua khảo sát, HĐND tỉnh nhận thấy số liệu nhà tạm, nhà dột nát chưa chính xác... Hay Nghị quyết số 33 ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Sau một thời gian nghị quyết ban hành cũng phát sinh những bất cập và phải sửa đổi, bổ sung...

Từ thực tế đó, ông Thanh cho rằng cần nâng cao chất lượng thẩm tra nghị quyết trước khi ban hành; trong đó, vai trò, trách nhiệm phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần được phát huy hơn.

Theo ông Nguyễn Công Thanh, Mặt trận cần chủ động đề xuất giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc, đồng thời giám sát những nghị quyết liên quan đến Mặt trận, các tổ chức thành viên.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nghị quyết của HĐND tỉnh bằng nhiều kênh; nghiên cứu triển khai mô hình tiếp xúc cử tri chuyên đề, trong đó chú ý thẩm tra ý kiến cử tri nhằm tổng hợp, báo cáo đúng, sát thực tế.

Ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến cử tri “đến” với đại biểu dân cử ngày càng ít, là do việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của họ chưa đến nơi đến chốn.

HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần quan tâm phối hợp thực hiện tốt hơn nội dung này, đặc biệt là các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca nhấn mạnh, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phải phối hợp, sử dụng hiệu quả kết quả giám sát của hai bên nhằm tránh chồng chéo.

Ngoài chương trình kế hoạch giám sát hàng năm, Mặt trận tỉnh sẽ linh hoạt tiến hành giám sát đột xuất trước những vấn đề phát sinh, nổi cộm. HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phải cố gắng phối hợp làm tốt công tác giám sát để làm sao nghị quyết của HĐND đi vào cuộc sống, đáp ứng cuộc sống nhân dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã khóa mới có 2.039 người ngoài Đảng

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến ngày 15/5, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024 - 2029. Điểm nổi bật là nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2024 - 2029 được Đại hội hiệp thương cử có sự chuyển biến cơ bản, đảm bảo đúng yêu cầu, cơ cấu, thành phần.

Theo đó, các đại hội đã hiệp thương cử 7.829 người tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã khóa mới. Trong đó số lượng tái cử là 4.144 người, tỷ lệ 52,93%; cơ cấu mới 3.685 người, tỷ lệ 47%; ngoài Đảng là 2.039 người, tỷ lệ 26,04%; 2.421 nữ, tỷ lệ 30,9%; 1.792 người dân tộc thiểu số, tỷ lệ 22,8%…
Mỗi Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã có từ 30-50 ủy viên; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã có 3 người gồm 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 1 ủy viên thường trực.

Ở cấp huyện, đến nay có 2 địa phương tổ chức đại hội gồm Đại Lộc và Hiệp Đức. (ĐÔNG ANH)

Hiệp Đức phấn đấu 100% khu dân cư xây dựng “Bờ rào xanh”

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2024 - 2029). Theo Nghị quyết Đại hội, trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đặt mục tiêu có 100% khu dân cư xây dựng mô hình “Bờ rào xanh” và thực hiện “Đường cờ Tổ quốc”.

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự tham gia của MTTQ đã vận động nhân dân đồng tình hưởng ứng cao. Toàn huyện đã tổ chức xây dựng được 36 mô hình “Bờ rào xanh, tường rào sạch”. Đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM, 7 thôn NTM kiểu mẫu được công nhận; huyện đang tập trung xây dựng 3 xã và 24 thôn NTM kiểu mẫu và 1 xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. (V.ANH)

Huyện Duy Xuyên xóa 63 nhà tạm trong 2 năm 2022 - 2023

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên, trong 5 năm qua (2019 - 2024), Quỹ vì người nghèo các cấp trên địa bàn huyện đã vận động đạt 14,6 tỷ đồng.

Mặt trận đã tổ chức đối thoại với hộ nghèo để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng, hỗ trợ vốn, trao sinh kế giúp đỡ 326 hộ nghèo thoát nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất, học sinh khó khăn vượt khó học tập, chữa bệnh, tặng quà, thăm hỏi và hỗ trợ khác 6.692 trường hợp.

Đặc biệt, Mặt trận đã hỗ trợ xây dựng 145 nhà đại đoàn kết với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2022 - 2023 đã xóa được 63 nhà tạm với mức hỗ trợ tối thiểu 100 triệu đồng/nhà. Huyện còn ủng hộ chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên với số tiền gần 60 triệu đồng.

Việc vận động, quản lý, sử dụng Quỹ vì người nghèo các cấp trong huyện bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 3,08% (năm 2019) xuống còn 2,06% (năm 2023). (TÂM ĐAN)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận và HĐND tỉnh Quảng Nam: Vì lợi ích chính đáng của nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO