Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam: "Giải cứu" nhiều dự án đầu tư tư nhân

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 17/07/2018 11:45

Trước nhiều nhận định về Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam chưa hoạt động hiệu quả, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam khẳng định nếu không có quỹ này thì nhiều dự án đầu tư của tư nhân sẽ không thể hoàn thiện được, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ngân hàng thắt chặt vốn vay hay lãi suất cho vay cao. Đó là hiệu quả thấy rõ nhất của hoạt động cho vay và đầu tư của quỹ này trong hơn 9 năm qua.

Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho vay vốn nhiều dự án đầu tư hạ tầng. Trong ảnh: Khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên).
Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho vay vốn nhiều dự án đầu tư hạ tầng. Trong ảnh: Khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên).

- P.V: Thưa ông, những dự án nào được cho là khả thi nhất khi nhận được nguồn vốn đầu tư, cho vay từ Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam?

Ông Nguyễn Tiên Thạch: Hiện có 11 dự án đầu tư từ vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), còn lại là vốn của quỹ. Không thể nói hết được dự án nào khả thi nhất mà phải nói rằng trong giai đoạn 2011, nếu không có chúng tôi thì Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn), khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên), Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa (Thăng Bình)… không thể đáp ứng được kế hoạch, khó hoàn thiện dự án được. Lãi suất ngân hàng hồi ấy rất cao, chỉ cho vay từ 1 đến 2 năm. Còn quỹ cho vay lãi suất 9,6%/năm, rẻ gần như ½ nên đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Quỹ cung cấp vốn ưu đãi một phần nhờ vốn WB cho mình vay 4% và mình cho vay lại, ổn định tới 7 năm. Không chỉ 3 dự án ấy, nhiều dự án khác như khu dân cư An Hà – Quảng Phú, một số dự án khác như chợ Điện Nam Trung, chợ Điện Dương hay nhà máy nước Hội An cũng nhờ nguồn WB, chứ quỹ làm gì có tiền. Nguồn vốn chỉ hơn 100 tỷ đồng thôi.

Có nghĩa năm 2011 - 2014, gần như các ngân hàng thắt chặt cho vay, quỹ đã “giải cứu” nhờ WB cho vay 25 năm, ân hạn 10 năm với lãi suất ổn định 4%/năm thì mới có điều kiện cho vay.

- P.V:Chỉ với 49 dự án đầu tư và cho vay trong hơn 9 năm thì liệu có thể nói là quỹ đã thành công hay không?

Ông Nguyễn Tiên Thạch: Khi nhìn 49 dự án đầu tư, cho vay trong hơn 9 năm qua, nhiều người sẽ cho là ít. Nhưng thực sự là chúng tôi đã nhận cả trăm dự án nhưng chỉ chọn được số dự án này để đầu tư. Với số vốn chỉ có 100 tỷ đồng, cấp nhỏ giọt đến bây giờ khoảng 170 tỷ, mà quay vòng đến gấp 5 lần thì đó là hoạt động rất hiệu quả. Sự hiệu quả phải được hiểu là 1 đồng vốn ngân sách, quỹ đã huy động trên 2 hay 3 đồng vốn lưu động. Vốn ngân sách chưa tới 30%, còn lại 71% là vốn lưu động. Nếu đánh giá hiệu quả hay không cần đánh giá cả một giai đoạn, thời kỳ, chứ không thể chỉ nhìn vào sự giảm của hiện tại.

- P.V: Ít dự án cho vay, đầu tư, không vì lợi nhuận, thì có đúng với quy chế hoạt động hoặc quỹ sẽ sống bằng gì? Nhất là bản chất của vốn ODA là dành cho đầu tư phát triển và tái thiết?

Ông Nguyễn Tiên Thạch: Không phải không nhiều dự án hay nhà đầu tư tìm đến để vay nhưng chúng tôi phải sàng lọc. Không ai tốt hơn ai. Nhưng quy chế của quỹ khác ngân hàng. Muốn vay vốn của quỹ cần phải không thiếu bất kỳ một giấy tờ hoặc điều kiện tài sản bảo đảm. Thường thì các dự án không bảo đảm tài sản thế chấp hoặc sợ tốn kém về đánh giá tác động môi trường ngại đến quỹ vay dù lãi suất thấp hơn. Còn vốn WB, quỹ phải tìm dự án, trình Bộ Tài chính duyệt cho mình vay và mình cho vay lại. Không bao giờ họ đưa cho mình một cục tiền mà chỉ giải ngân theo tiến độ. Nếu có dự án 10 tỷ thì họ chỉ giải ngân tối đa 8 tỷ đồng. Có nghĩa là vốn ODA cấp cho quỹ giải ngân theo tiến độ. Quỹ đã ký hợp đồng vay hơn 300 tỷ, nhưng họ mới chỉ giải ngân hơn 260 tỷ đồng do tiến độ của nhà đầu tư không kịp.

WB cho mình vay 4%, mình cho vay lại 6,5% hoặc 7%/năm. Không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo toàn vốn và như vậy đã có lãi. Chính phủ Việt Nam đã ký kết một hiệp định tài chính mà WB dành 185 triệu USD để Ban Quản lý dự án (Bộ Tài chính) cho các quỹ đầu tư phát triển địa phương đủ năng lực vay lại thông qua các tiểu dự án cụ thể để nhằm hỗ trợ năng lực tài chính và quản trị cho các quỹ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam đáp ứng được các tiêu chí nên được cấp vốn vay, không phải là lựa chọn ngẫu nhiên.

- P.V:Có nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả sử dụng vốn thấp, quỹ chỉ đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi thay vì đầu tư, cho vay thì không thể gọi là thành công được, có cần thiết phải tồn tại hay không. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Tiên Thạch: Kể từ năm 2016, dư nợ thấp, tiền gửi ngân hàng tăng cao có khá nhiều lý do. Quỹ đầu tư cho kết cấu hạ tầng liên quan đến đầu tư công. Cơ chế chuyển đổi đầu tư công đã khiến giải ngân chậm, liên quan đến việc phê duyệt các dự án đầu tư tư nhân (đối tượng chủ yếu quỹ cho vay) tham gia với quỹ nên có độ trễ nhất định hoặc các nhà đầu tư đã trả vốn vay trước thời hạn (vì tính thanh khoản của họ cao), nên lượng vốn dồn trả trong giai đoạn này nhiều, dẫn đến vốn tạm thời nhàn rỗi của quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại tăng cao.

Không thể nhìn sự vận hành của quỹ bằng con số cộng trừ, mà phải nhìn nó ở những con số biết nói. Con số này thể hiện ở từng chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Đời sống của một doanh nghiệp vận động theo hình sin. Có lúc này hay lúc khác. Vốn hay hoạt động của quỹ cũng như vậy. Mọi người có quyền suy nghĩ hay đặt vấn đề, nhưng quan điểm của tôi, các huy động càng nhiều vốn càng tốt. Tháo gỡ vấn đề này là chuyện phải làm gì để có thêm nhiều dự án cho vay, sử dụng vốn như thế nào tương thích trong từng giai đoạn chứ không phải vì một hay vài năm gặp trở ngại hay suy giảm như hiện tại mà đánh giá chung cho cả một quá trình. Nếu đánh giá cần nhìn nhận cả một giai đoạn. Thực tế, với vốn vay WB, chỉ khi nào có dự án thì Bộ Tài chính mới giải ngân. Muốn mang tiền về thì phải có dự án chứ không thể rút vốn được.

Còn đề nghị ban hành danh mục đầu tư ưu tiên thì danh mục này đã được Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ra nghị định. Các tỉnh đều làm chứ không phải chỉ có mỗi Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cần thông qua HĐND để họ chấp nhận theo danh mục đó. Còn ưu tiên cái gì thì HĐND quyết. Chúng tôi không làm gì khác ngoài những quy định đã được công bố. Cũng không thể chuyển quỹ sang mô hình khác vì vốn của quỹ không phải là vốn tín dụng của nhà nước. Vốn chúng tôi huy động được mà đưa người khác quản thì ai sẽ quản, ai sẽ là người nhận nợ khi chúng tôi ký nhận nợ của Bộ Tài chính. Còn đánh giá hiệu quả hay không để cho tồn tại hay giải thể là chuyện của cấp trên. Chúng tôi không đủ quyền quyết định!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam: "Giải cứu" nhiều dự án đầu tư tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO